Khan hiếm lao động thời vụ

Lê Bảo - Minh Quân 18/12/2021 14:06

Cuối năm là tháng “nước rút” do vậy nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt lao động phổ thông, thời vụ tăng cao. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều lao động vẫn dè chừng chưa muốn đi làm xa. Do vậy, ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn lao động thời vụ.

“Đỏ” mắt tìm lao động

Nhằm kết nối doanh nghiệp (DN) và người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương đã tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các tỉnh, thành phố.

Thống kê tuyển dụng 116 doanh nghiệp cho thấy, phân theo trình độ, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị cần tuyển trên 7.200 vị trí lao động phổ thông; trên 4.500 vị trí trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật và gần 6.000 vị trí trình độ cao đẳng, đại học. Kết thúc phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các tỉnh, thành phố, hơn 6.000 lao động đã được tuyển dụng. Kết quả tuyển dụng này so với nhu cầu cần tuyển dụng của doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng được 1/2.

Tham gia tuyển nhân sự tại sàn giao dịch trực tuyến bà Hoàng Thị Vân Anh, chuyên viên nhân sự hệ thống một siêu thị Hà Nội cho biết, đơn vị cần tuyển gần 100 vị trí lao động cho các cửa hàng trên hệ thống tại các tỉnh, thành, mức lương thấp nhất là 5 triệu đồng. “Vị trí tuyển dụng của hệ thống khá đơn giản, mức lương trên không phải thấp (chưa kể thưởng doanh số) thế nhưng việc tuyển dụng không dễ dàng” - bà Vân Anh cho biết.

Tương tự ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tổ chức, Công ty cổ phần Vang Thăng Long, cho biết Công ty cần tuyển 30-40 lao động thời vụ với mức tiền công 200.000 đồng/ngày và 1 bữa trưa. “Các năm trước chỉ cần đăng tuyển trên mạng xã hội đã có rất nhiều ứng viên, năm nay đăng ký tuyển qua sàn nhưng vị trí tham gia ứng tuyển ít. DN đang rất khó khăn tìm lao động phổ thông”, ông Vinh than thở.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, phiên giao dịch việc làm thu hút gần 100 DN tham gia, với 17.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó, hệ thống sàn giao dịch việc làm trên địa bàn Hà Nội có 30 DN cần tìm kiếm hơn 1.200 lao động. Vị trí việc làm được các DN ưu tiên tuyển dụng là thu ngân, quản lý sản xuất, kỹ thuật sản xuất, chăm sóc khách hàng, lễ tân...

Nếu trúng tuyển, người lao động có thể nhận được mức lương từ 5 đến 25 triệu đồng/tháng, tùy từng vị trí công việc, khả năng chuyên môn của người lao động.

“Vào thời điểm cuối năm này, DN có nhu cầu tuyển cả lao động toàn thời gian và bán thời gian. Yêu cầu đặt ra với các ứng viên không cao về kỹ năng, kinh nghiệm, quan trọng là sự chăm chỉ, sức khỏe tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh nên việc tuyển dụng lao động thời vụ không dễ dàng” - ông Thành cho biết.

Quý I-2022, dự báo thị trường sôi động

Cũng theo ông Thành, khi các biện pháp phòng, chống dịch được thực hiện linh hoạt, cùng với đó là hàng loạt các chính sách hỗ trợ DN phục hồi sản xuất được tung ra, nhu cầu tuyển dụng của các DN tăng lên từ 10-15% so với những tháng trước đây. Thời điểm này, người lao động cũng dần quay trở lại thị trường, nhưng lại có tâm lý quan sát rất kỹ về các biện pháp phòng, chống dịch của DN, các chính sách hỗ trợ mùa dịch cũng như vấn đề lương thưởng.

“Thời gian tới, nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, thị trường sẽ dần sôi động trở lại. Quý I-2022, nhu cầu tuyển dụng của các DN cũng sẽ tăng cao để phục vụ kế hoạch sản xuất của cả năm” - ông Thành đưa ra nhận định.

Có thể thấy, với chính sách thích ứng linh hoạt, DN dần hồi phục đi vào sản xuất, điều này đồng nghĩa với việc thị trường lao động đã dần “ấm” trở lại. Đây là những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, do vậy về lâu dài vẫn cần giải pháp tổng thể để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cần có sự điều tiết, hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương. Song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, cần nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất.

“Các địa phương cần có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn,…”, ông Lợi chia sẻ.

“Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, thị trường sẽ dần sôi động trở lại. Quý I/2022, nhu cầu tuyển dụng của các DN cũng sẽ tăng cao để phục vụ kế hoạch sản xuất của cả năm” - ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khan hiếm lao động thời vụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO