Ngay từ những ngày đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào, gây gián đoạn nguồn cung, gia tăng chi phí sản xuất.
DN trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản phản ánh, giá cả một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào gia tăng trong tháng 1/2021, nên gặp nhiều áp lực vì đội chi phí sản xuất. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động của các nhà máy thuỷ sản đã tăng từ 8% - 25%. Đơn cử như giá mặt hàng găng tay cao su, nhựa trong tháng 1 này đã tăng 8-9% so với tháng trước, còn băng keo tăng tới 15%. Giá bao bì để đóng gói hàng cũng tăng từ 7% - 9,8%. Giá sản phẩm dầu nành từ tháng 12/2020 đã tăng 10% so với tháng trước, sang tháng 1/2021 lại tăng thêm 9%.
Một số mặt hàng hoá chất trong ngành tôm tăng từ 20-25%. Ngoài việc gia tăng giá cả nguyên liệu, theo nhiều nhận định, giá tôm nguyên liệu cũng sẽ tăng cao trong năm 2021 khi nguồn cung thiếu hụt. Một DN chế biến thuỷ sản ở Cà Mau cho biết, hiện giá tôm sú nguyên liệu tại tỉnh này trong tháng 1/2021 đã tăng hơn 20% so với tháng 12/2020.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), nguyên liệu tăng, chi phí sản xuất tăng, khiến các DN thuỷ sản “đứng ngồi không yên”. Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu thuỷ sản còn đang đối mặt với tình trạng cước tàu vận tải biển từ Việt Nam đi châu Âu trong tháng 1 này đã tăng từ 145% - 276% (tuỳ theo cảng). Nếu như tháng 12/2020, giá cước cảng chính là 2.850 USD/container, đến tháng 1/2021 đã tăng lên 7.000 USD/container (tăng 145%), một số hãng tăng từ 2.800 USD/container lên 10.550 USD (tăng 276%).
Không riêng gì các DN thuỷ sản đang gặp áp lực trước việc gia tăng chi phí đầu vào. Trong báo cáo ban hành mới đây về ngành sản xuất Việt Nam, lãnh đạo một công ty thu thập kết quả khảo sát chỉ số Nhà quản trị mua hàng, cảnh báo các DN sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu mua nguyên vật liệu.
Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế của công ty trên chỉ rõ, vấn đề chính cản trở tăng trưởng hiện nay có vẻ như là sự gián đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng, mà nguyên nhân được cho là do đại dịch. “Các công ty gặp khó khăn trong khâu mua nguyên vật liệu, đặc biệt là từ nước ngoài. Từ đó, giá cả tăng mạnh, với chi phí đầu vào tăng lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi”, ông Andrew nhấn mạnh.
Vấn đề giá chi phí đầu vào thực ra không chỉ tăng trong tháng 1/2021 mà có thể thấy rõ từ quý IV/2020. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý này, so với cùng kỳ năm 2019, giá nhập khẩu một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước tăng, như: giá sản phẩm dầu mỡ động thực vật tăng 12,78%, sản phẩm từ giấy tăng 9,59%. Mặt khác, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào các ngành sản phẩm sản xuất trong nước quý IV/2020 tăng từ 0,56%-9,23% so với cùng kỳ năm trước, bình quân năm 2020 tăng từ 1,49%-8,38% so với năm 2019.
Liên quan đến vấn đề về chi phí, ông Nguyễn Văn Chính, chuyên gia của một công ty chuyên tư vấn chiến lược kinh doanh DN từng khuyến cáo, trong một số ngành công nghiệp, nhu cầu có thể thay đổi chỉ sau một đêm, khiến các nhà cung cấp rơi vào tình thế rủi ro. Đối mặt với nhà cung cấp bị hạn chế hoặc gặp gián đoạn, nhiều công ty bắt đầu phải trả phí cao hơn. Chính vì thế, ông Chính cho rằng các DN cần phát triển mạng lưới cung ứng, sản xuất và hậu cần linh hoạt. Hơn nữa, DN cần tái định hình độ phức tạp, đồng thời thay đổi danh mục sản phẩm và điều chỉnh các thông số kỹ thuật từ cả cung và cầu.