Số ca bệnh tay chân miệng (TCM) nặng khu vực phía Nam liên tục tăng cao. Trong khi đó, tình trạng khó khăn về nguồn thuốc vẫn tiếp diễn nên nhiều bệnh viện lên kế hoạch điều trị theo hướng tiết kiệm, hiệu quả.
BS Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng (TPHCM) cho hay, những tuần gần đây, số ca mắc bệnh TCM liên tục tăng ở mức cao. Trung bình một ngày, bệnh viện điều trị khoảng 100 - 150 bệnh nhi. Tại khu khám bệnh TCM, 1 ngày khám từ 200 – 300 trẻ. Hiện, bệnh viện đang điều trị cho 124 trẻ bị TCM, trong đó có 16 ca nặng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế cũng luôn tay cho công tác chăm sóc và điều trị trẻ bị TCM. Theo BS Dư Tuấn Quy – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, hiện trong khoa đang điều trị cho 168 ca bệnh, trong đó tỷ lệ ca nặng vẫn cao, chiếm từ 25 – 30%. Vì số ca tăng cao nên ngoài khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện tăng cường thêm một tầng nữa để tiếp nhận và điều trị, cùng với 2 khoa điều trị bệnh nhân nặng là khoa Hồi sức Nhiễm và khoa Hồi sức tích cực – chống độc.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), số ca mắc bệnh TCM tiếp tục tăng nhanh tại thành phố. Tuần qua, ghi nhận 2.356 ca bệnh, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.455 ca. Tất cả các quận, huyện đều ghi nhận số ca mắc TCM trong tuần 29 tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú. Cũng theo HCDC, từ ngày 1/1 đến ngày 23/7, thành phố ghi nhận 11.156 ca mắc TCM mới, trong đó 3.458 ca phải nhập viện điều trị và 279 ca nặng (chiếm tỷ lệ 8,07%). Số ca bệnh bắt đầu tăng từ tuần thứ 20 và tăng nhanh từ tuần thứ 24.
Đại diện các bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM cho biết, mặc dù bệnh viện tiếp nhận lượng lớn bệnh nhi mắc bệnh TCM, song đa phần ở các tỉnh, thành chuyển đến (chiếm tỷ lệ 60 – 80%). Ông Huỳnh Minh Chín - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, bệnh TCM tại tỉnh Bình Dương vẫn diễn biến phức tạp. Thống kê từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ghi nhận 2819 ca, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ 4 tuần gần đây, trên địa bàn đã có khoảng 600 ca mắc, trong đó gần 40 ca bệnh nặng. Số ca mắc bệnh tăng gấp 4 lần so với 4 tuần trước đó. Cao điểm nhất từ ngày 17- 23/7, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 310 ca bệnh TCM mắc mới…
Cũng theo ông Chín, tại TP Thuận An xuất hiện 3 điểm “nóng” về dịch bệnh tại phường Thuận Giao, Bình Chuẩn, An Phú nơi tập trung đông công nhân, người lao động sinh sống trong các khu nhà trọ. Đặc biệt có 2 trường hợp tử vong.
Trước diễn biến số ca mắc tăng nhanh trong những tuần gần đây cùng với sự xuất hiện trở lại của Enterovirus 71 (EV71) - chủng virus có độc lực cao, làm bệnh diễn tiến nặng và có thể gây tử vong. Các chuyên gia y tế dự báo, trong thời gian tới số ca mắc và số ca nặng trên địa bàn TPHCM sẽ tiếp tục gia tăng.
Tiết kiệm thuốc nhưng không để bệnh nhân trở nặng
Do số ca mắc bệnh TCM sẽ tiếp tục tăng trong khi thuốc điều trị cho bệnh nhân nặng có phần khan hiếm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã lên kế hoạch điều trị theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. “Bệnh viện đã xây dựng chỉ định điều trị chặt chẽ hơn và không lạm dụng. Trước đây, nhóm 1 và 2 là truyền globulin nhưng giờ chỉ cho sử dụng thuốc an thần. Đối với độ 3, 4 mới truyền globulin, thậm chí độ 4 không truyền mà chỉ cho an thần và các thuốc khác. Ngoài ra, bệnh viện còn sử dụng những loại thuốc ở người lớn để điều trị bệnh TCM cho trẻ em” - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cho biết.
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, hiện nay thuốc điều trị bệnh TCM bắt đầu có trở lại, song bệnh viện vẫn điều trị theo khuyến cáo của chuyên gia và phác đồ của Bộ Y tế. Bệnh viện tiến hành theo dõi, hội chẩn từng ca để điều trị hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, tránh trường hợp bệnh trở nặng...
Liên quan đến thuốc trong điều trị trẻ em TCM, BS Dư Tuấn Quy cũng thông tin, bệnh viện đang đủ thuốc điều trị, ngoài ra còn sử dụng những loại thuốc khác của người lớn như: Suy giảm miễn dịch, tim mạch, nhiễn trùng huyết...
Còn theo BS Trần Ngọc Lưu - khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 Khoa đang theo dõi sát để điều trị cho bệnh nhân nhằm tránh lãng phí thuốc nhưng không để bệnh trở nặng. Ví dụ đối với bệnh nhi TCM độ 2B là có biến chứng thần kinh khi đó sẽ sử dụng thuốc an thần và những loại thuốc dạng uống khác thay vì thuốc truyền tĩnh mạch. Đồng thời theo dõi sát nguy cơ biến chứng thần kinh nặng hơn. Ngoài ra, các bác sĩ còn theo dõi kịp thời phát hiện các trường hợp có nguy cơ biến chứng tim mạch tuần hoàn để chỉ định dùng thuốc cho phù hợp.
Sở Y tế TPHCM đã có báo cáo gửi Bộ Y tế về việc cung ứng thuốc điều trị TCM. Theo Sở Y tế thành phố, dù có chuẩn bị nhưng cơ số thuốc dự trữ của thành phố dự kiến không đủ để đáp ứng trước tình hình bệnh TCM diễn biến nhanh. Trong đó, thành phố luôn tiếp nhận khoảng 80% người bệnh nặng từ các tỉnh, thành chuyển đến.