Trước diễn biến bất thường của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có thể thành bão số 4, người dân miền Trung đang khẩn trương triển khai các công tác phòng chống bão, lũ.
Ông Hồ Út đội mưa thu hoạch sắn chạy lũ.
Bà con tranh thủ thu hoạch lúa, hoa màu, đưa tàu thuyền vào nơi tránh bão, lũ. Các cấp chính quyền cũng đang ráo riết triển khai các công tác ứng phó với diễn biến của ATNĐ, có khả năng mạnh lên thành bão và tình hình mưa lũ.
Thu hoạch nông sản chạy lũ
Sáng ngày 12/9, chúng tôi có mặt thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam, chứng kiến người dân nơi đây đang hối hả thu hoạch sắn, để vớt vát số diện tích sắn bị ngập úng.
Bởi do rất nhiều diện tích sắn có nguy cơ hư hỏng, nên mặc mưa lớn, nước ngập ruộng bà con vẫn đội mưa ra đồng thu hoạch.
Bà Bùi Thị Quý, thôn Vĩnh Bình cho hay: “Sáng nay gia đình tôi tất cả phải ra đồng thu hoạch sắn chạy lũ. Số là nhà tôi trồng 3 sào sắn nhưng đêm qua mưa lớn đã gây ngập úng. Mưa lớn như ri nếu không nhổ thì bị thối hết, mất trắng một vụ mùa”.
Người dân khẩn trương thu hoạch sắn chạy lũ.
Còn ông Hồ Út cho biết: “Gia đình tôi có 4 sào sắn đến kỳ thu hoạch nhưng trở tay không kịp vì nước ngập quá nhanh, hơn nữa ngoài sắn gia đình tôi phải tranh thủ tập trung gặt một mẫu lúa. Hôm qua vừa xong thì mưa lớn xuất hiện, do đó số sắn mới bắt đầu nhổ từ sáng nay”.
Nhiều bà con tỏ rõ sự lo lắng, thu hoạch kiểu này chắc chắn bị thương lái ép giá và lo sợ không biết trời có nhanh nắng để phơi khoai, phơi lúa. Bà con còn cho biết, nếu giá quá thấp họ đành chờ nắng lên phơi khô làm thức ăn chăn nuôi gia súc.
Không riêng gì các hồ dân ở Tam Thăng đội mưa ra đồng thu hoạch sắn mà nhiều nơi khác ở tỉnh Quảng Nam trong sáng nay ra đồng thu hoạch sắn, thu hoạch lúa chạy mưa lũ.
Người dân Quảng Nam gặt chạy lũ.
Tàu thuyền khẩn trương tránh bão
Trong khi đó Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chiều ngày 12/9 phát đi bản tin, hồi 14h ngày 12/9, vị trí tâm ATNĐ cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam - Bình Định khoảng 210 km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 8-9.
Dự báo trong 6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và khả năng cao mạnh lên thành bão.
Tàu thuyền Quảng Nam vào nơi trú bão.
Chi cục phòng chống thiên tai (PCTT), khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết, BCH PCTT&TKCN BĐBP tỉnh Bình Định, tính đến 6h cùng ngày đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 7.092 tàu/45.853 lao động (LĐ) biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh, trong đó: Khu vực từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng: 221 tàu/2.587 LĐ; khu vực từ Phú Yên đến Kiên Giang: 1.924 tàu/14.547 LĐ; khu vực quần đảo Hoàng Sa: 20 tàu/140 LĐ; khu vực giữa Hoàng Sa – Trường Sa: 308 tàu/2.156LĐ; khu vực Quần Đảo Trường Sa: 287 tàu/2.050LĐ; neo đậu tại bến, hoạt động ven bờ đi về trong ngày: 4.332 tàu/24.373 LĐ.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho Đại Đoàn Kết biết: Chúng tôi dùng Icom kêu gọi các tàu thuyền vào bờ trú ẩn hoặc vào các đảo để neo đậu tránh thiệt hại về tài sản, tính mạng của ngư dân.
Hiện tại, xã Bình Châu có 430 chiếc tàu đánh bắt hải sản, trong đó, 167 chiếc đánh bắt xa bờ, Đến giờ thì còn 4 chiếc tàu cá ở Hoàng Sa và 5 chiếc tàu ở đảo Bạch Long Vĩ, còn 4 chiếc tàu ở Trường Sa đang trên đường đến nơi gần nhất để trú ẩn.
Còn ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch NĐNC xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Xã An Hải đã liên tục kêu gọi các tàu thuyền đánh bắt vào đảo để trú ẩn, hiện giờ còn 22 tàu con ở trên hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa đang trên đường vào đảo để trú ẩn, đã có 38 tàu vào cập cảng Lý Sơn trú ẩn an toàn”.
Tại Quảng Nam, ông Trương Công Bảy, Chủ tịch NĐNC xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, cho biết, đã liên lạc hiện 85 chiếc tàu cá, tàu câu mực khơi ở Trường Sa hướng dẫn bà con tìm nơi trú ẩn. Số tàu còn lại đã vào neo đậu an toàn ở Hồng Triều an toàn.
Khẩn trương ứng phó
VPTT BCĐTW PCTT-VP UBQG TKCN đã có Công điện số 21/CĐ-TW hồi 16h30 ngày 11/9/2016 gửi các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận về công tác chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến của ATNĐ trên biển Đông.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công diện, yêu cầu các địa phương và cơ quan chức nằn chủ động ứng phó với diễn biến của ATNĐ, có khả năng mạnh lên thành bão và tình hình mưa lũ.
Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Huy động tất cả mọi lực lượng, phương tiện và mọi biện pháp để chủ động ứng phó; phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan trên địa bàn chỉ đạo thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp phòng, chống; chỉ đạo khẩn trương tổ chức các biện pháp thu hoạch lúa vụ Hè Thu theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”; kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tàu thuyền tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, đảm bảo an toàn; nghiêm cấm tất cả các tàu, thuyền của tỉnh ra khơi; thường xuyên thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm;…
Hiện nay lượng mưa đo được ở Quảng Nam, Quảng Ngãi phổ biến từ 50-80 mm; ở Bình Định phổ biến từ 50-100 mm, một số nơi cao hơn như Bồng Sơn: 195 mm, Hoài Ân: 147 mm, Hoài Nhơn: 146 mm. Trong khi đó, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên đang lên.