Dù là hiệu ảnh thứ hai của người Việt Nam mở ở Hà Nội, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Khánh Ký nhanh chóng vang xa ngoài biên giới quốc gia. Ai ngờ ông sang tận nước Pháp kinh doanh nghề ảnh. Không những thế còn là tay máy để lại dấu ấn khi chụp ngài Raymond Poincarre đắc cử Tổng thống Pháp, được báo Ilustration chọn đăng ra trang bìa và nhiều báo chọn dùng để nói về sự kiện. Bên cạnh việc kinh doanh, Khánh Ký là một người yêu quý và giúp đỡ cho nhiều nhà chí sĩ, nhà cách mạng, trong đó có luật
Chân dung ông Khánh Ký.
Một thương hiệu lớn
Năm 1869, Giải nguyên Đặng Huy Trứ (quê ở Thừa Thiên Huế) mở hiệu ảnh “Cảm Hiếu Đường” tại Hà Nội. Đây là hiệu ảnh đầu tiên không chỉ của Hà Nội mà còn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, nghề ảnh đã vào Việt Nam sau khoảng 30 năm người Anh phát minh ra máy ảnh. Năm 1874, nhà nho, vị quan Thương biện Hà Nội, nhà kinh doanh Đặng Huy Trứ mất. Và cũng chính năm này, năm 1874, tại đất Lai Xá, (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), gia đình cụ Nguyễn Hữu Phong và Nguyễn Thị Tít đã sinh ra một người con trai tên là Nguyễn Văn Xuân (hay còn gọi là Nguyễn Đình Khánh).
Nguyễn Văn Xuân bước vào nghề ảnh năm 1890, khi 16 tuổi. Cơ duyên từ người chú ruột giới thiệu cháu tới học nghề tại hiệu ảnh Du Chương của một người Hoa trên phố Hàng Bồ. Với tài trí thông minh, nhanh nhẹn, chỉ hai năm sau (1892), khi vừa 18 tuổi là chàng thanh niên Xuân đã bỏ chủ ra lập hiệu ảnh riêng, lấy tên là Khánh Ký trên phố Hàng Da. Việc kinh doanh của Khánh Ký phát triển và cạnh tranh ngay với hiệu Du Chương. Năm 1909, Khánh Ký đã mở thêm được một số hiệu ảnh khác ở Hà Nội và Nam Định. Không giấu bí quyết nhà nghề, Khánh Ký đã truyền thụ những kiến thức học hỏi được cho những người làng Lai Xá.
Những người thợ ảnh thời đó không chỉ biết chụp ảnh mà còn phải thành thục các khâu đoạn, từ ngâm ảnh, vỗ ảnh, lắp phim vào máy, vệ sinh máy phóng ảnh… tráng phim, sửa phim, in phóng ảnh, chấm sửa ảnh, tô màu ảnh. Do đó, luôn có vài chục người trong mỗi cửa hàng của Khánh Ký vừa học vừa làm. Từ đó, sản sinh ra một đội ngũ đông đảo những người thợ làm ảnh Lai Xá. Họ tỏa đi khắp nơi trong nước, thậm chí còn sang cả Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc mở hiệu ảnh. Vì thế, Khánh Ký đã trở thành tổ nghề ảnh làng Lai Xá.
Ngày 15/5, làng Lai Xá sẽ khai trương Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá. Như thế làng Lai Xá càng trở nên đặc biệt khi một làng mà có tới hai bảo tàng tư nhân (trước đó là Bảo tàng GS. Nguyễn Văn Huyên). Ngoài Khánh Ký, GS. Nguyễn Văn Huyên, Từ điển Bách Khoa Việt Nam (in năm 2003) cũng vinh danh những nhà văn hóa, nhà chính trị nổi tiếng của Lai Xá như: Phó Thủ tướng Phan Kế Toại, Họa sư Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ (họa sư Nam Sơn lấy bà Lương Thị Thảo người Lai Xá, mộ của ông ở đây).
Ông Phạm Văn Nên (90 tuổi) người làng Lai Xá kể, bố ông là cụ Phạm Văn Giai, đã vào Sài Gòn làm tại Hiệu ảnh của ông Khánh Ký năm 1924. Cụ Giai kể lại một câu chuyện truyền nghề của cụ Khánh Ký cho thợ như sau: Có 2 khâu cần nhất, đó là khâu tráng phim và ngâm vớt ảnh. Hai khâu này rất quan trọng. Tráng phim không cẩn thận mà non quá cũng hỏng, già quá cũng hỏng. Ở cửa hàng nhà mình đầy đủ giấy, thuốc làm thì không sao, nhưng ở nơi xa, nếu nhận được cái phim đó, người ta không đủ giấy, có khi phải từ chối, không dám nhận làm. Bộ phận ngâm vớt ảnh: ảnh to ngâm vỗ phải nâng niu nhẹ nhàng, không để gẫy. Khi ảnh ở buồng tối mang ra phải nhẹ nhàng cọ từng cái ở chậu dưới bỏ lên chậu trên. Cứ 15 phút lại thay nước một lần. Ảnh to ngâm độ 3 tiếng là vớt được. Ảnh có thuốc hãm có chất hyposulfit nếu ngâm chưa sạch thì chỉ một thời gian ngắn là nó ăn hết màu.
Một bản quảng cáo hiệu ảnh Khánh Ký ở Sài Gòn.
Sau khi mở rộng nhiều cơ sở kinh doanh trên các tỉnh thành, Khánh Ký quyết định sang Pháp theo sự giúp đỡ của ông Dinilac để học thêm nghề ảnh. Năm 1910, Khánh Ký đặt chân tới Paris. Từ năm 1911 đến 1915, Khánh Ký đã mở được hai hiệu ảnh ở Pháp. Một hiệu ảnh ở TP Toulouse và tại Pari. Năm 1913, ông Raymond Poincarre đắc cử Tổng thống Pháp, trong số hàng trăm tay máy chụp khoảng khắc vị Tổng thống Pháp đăng quang có Khánh Ký. Thật lạ, bức ảnh của Khánh Ký lại được đánh giá là đẹp nhất và được báo chí Pháp đăng tải đồng loạt. Thậm chí báo Ilustration còn chọn đăng ra trang bìa. Vì vậy, cái tên Khánh Ký trở lên nổi tiếng...
Năm 1921, Khánh Ký đem theo 400 kg ảnh và về Sài Gòn mở hiệu ảnh. Việc kinh doanh phát đạt nhất trong các năm từ 1924 đến năm 1933. Năm 1934, cơ sở của ông Khánh Ký thuê 27 nhân viên kể cả những người trong phòng chụp ảnh, phòng rửa hình, chỉnh hình và bán hàng.
Ông cũng chụp ảnh cho Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des études indochinoises). Một số ảnh của ông được báo “Monde colonial illustré (1931)” sử dụng trong số đặc biệt nhân dịp Hội chợ triển lãm thuộc địa (Exposition coloniale, 1931) và số năm 1932 sau khi Bộ trưởng thuộc địa, Paul Reynaud, đến Đông Dương.
Khánh Ký cũng chụp một bức ảnh chân dung toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier, người bảo trợ hoàng đế Bảo Đại và nhà cách mạng Nguyễn An Ninh trên báo “L’Illustration” số 4740. Năm 1933 “Le voyage de l'empereur d'annam du Tonkin” có các ảnh phóng sự của ông về chuyến viếng thăm của hoàng đế Bảo Đại ở Bắc Kỳ.
Khánh Ký – người yêu nước
Giàu có, phát đạt từ hiệu ảnh nhưng Khánh Ký không chỉ chú trọng làm nghề mà còn là người rất yêu nước. Trong thời gian kinh doanh nghề ảnh tại Pháp, Khánh Ký đã hợp tác với cụ Phan Châu Trinh và luật sư Phan Văn Trường lập ra “Hội đồng bào thân ái” vào năm 1912. Đích thân Khánh Ký làm thủ quỹ. Hội đã trở thành nơi giao lưu gặp gỡ của đồng bào Việt kiều, lưu học sinh Việt Nam ở Pháp. Khánh Ký một mặt tích cực kiếm tiền, mặt khác giúp đỡ nhóm những người yêu nước có kinh phí hoạt động.
Năm 1914, Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường bị bắt giam, Khánh Ký thường đến thăm và giúp đỡ nhiều cho con cụ Phan Châu Trinh là Phan Châu Dật. Năm 1915 Phan Châu Trinh được ra tù và được Khánh Ký dạy làm ảnh và làm ảnh ở cửa hiệu của mình để có thu nhập. Cũng năm 1915, Khánh Ký nhờ ông Guyer trình Bộ thuộc địa đề án đào tạo. Theo đó, ông sẽ bỏ tiền cho các con em Việt Nam sang học nghề tại các nhà máy của Pháp. Học sinh có thể ăn ở chung một nhà do Khánh Ký trông nom. Đề án không được chấp thuận.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Khánh Ký cùng Phan Văn Trường đến vùng Pháp mới chiếm tại Đức để mở hiệu ảnh, mở tiệm xuất nhập ở Franscort và Maience. Ở Paris, ông mở tiếp hiệu ảnh ở đại lộ Malesherbe. Ban đầu hiệu ảnh hoạt động hiệu quả nhưng sau bị hải quan Pháp gây khó khăn. Tình trạng không được cải thiện nên năm 1919 và 1920, Khánh Ký lâm vào tình trạng phá sản. Thời gian này, trong nhiều mật báo về phong trào yêu nước, tên Khánh Ký thường xuất hiện cùng với Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh và có cả Nguyễn Ái Quốc.
Khánh Ký có mối quan hệ mật thiết với Nguyễn Ái Quốc (tên khi hoạt động thời Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Chính Khánh Ký là người giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc nhiều nhất ngay khi Người mới sang Pháp. Khánh Ký đã truyền nghề ảnh cho Nguyễn Ái Quốc sau đó giới thiệu cho Nguyễn Ái Quốc vào làm thuê ở một hiệu ảnh danh tiếng có uy tín tại Pari. Thậm chí Khánh Ký còn giúp phương tiện, vật chất cho Nguyễn Ái Quốc mở hiệu ảnh riêng để Người có thể có kinh phí hoạt động.
Ngày 8/5/1934, Khánh Ký sang Pháp. Tại Pháp, ông đã thuê in một bản đề án “Chấn hưng Đông Dương”. Trong bản đề án, ông kêu gọi những người giàu có bỏ tiền ra chuộc lại đất nước, riêng ông sẽ bỏ ra toàn bộ gia sản.
Đầu năm 1946, từ Paris, Khánh Ký viết thư cho Hồ Chủ tịch ngỏ ý muốn trở lại Việt Nam để có thể cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Nhưng ông đột ngột qua đời ngày 23/5/1946. Ngày 25/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp và đã dành thời gian tới nghĩa trang viếng mộ Khánh Ký...