Khát vọng cống hiến

H.Minh (ghi) 02/01/2016 08:24

Dù là những nghệ sĩ đã thành danh hay vừa bước chân vào làng nghệ thuật, với họ- năm 2015 thực sự là một “mùa” bận rộn. Để có một “món ăn” tinh thần ra mắt công chúng họ đã phải đánh đổi bằng những tính toán, lo toan, sự lao động nghệ thuật miệt mài và có khi là cả nước mắt…Nhưng trên hết vẫn là tình yêu và khát vọng được cống hiến của mỗi nghệ sĩ, với những dự định đang còn rộng mở ở mỗi lĩnh vực mà họ đang theo đuổi.

Khát vọng cống hiến

Hoàng rob: Dùng vĩ cầm vẽ bức tranh cuộc sống

Hoàng rob là biệt danh của nghệ sĩ violin Trương Nhật Hoàng. Chàng trai trẻ 25 tuổi này vừa cho ra mắt một MV mang tên “Tự nguyện”. Hoàng rob cầu toàn đến mức, anh và ekip thực hiện dự án của mình chỉ giới thiệu một số đĩa MV tới giới truyền thông trong lễ ra mắt sản phẩm. Hoàng bảo, rất muốn nghe những ý kiến đóng góp của báo giới, trước khi phát hành chính thức ra thị trường, cũng chỉ với mong muốn có một sản phẩm âm nhạc thật hoàn hảo, không sạn…

Với một người không hề được đào tạo bản bản về violin, chỉ là mày mò tự học, nhưng buổi ra mắt MV âm nhạc của Hoàng đã nhận được những đánh giá rất thiện chí từ giới chuyên môn, nhất là những nhạc sĩ khó tính đã cộng tác cùng Hoàng trong MV “Tự nguyện”.

Nghe và xem MV “Tự nguyện” để rồi cảm nhận, ở đó có bức tranh thuần Việt được vẽ trên nền tiếng nhạc vĩ cầm, qua những vùng đất đẹp dịu dàng và nên thơ như Huế, Hội An, Quảng Bình. Mà theo như nhận xét của nhà báo Ngô Bá Lục: Hoàng may mắn có được hạnh phúc lớn nhất của một người nghệ sĩ, đó là sự thăng hoa về cảm xúc nhận được sự đồng điệu từ khán giả.

“Càng biết được thêm nhiều nốt nhạc hay, nhiều giai điệu đẹp, tôi càng nhận ra rằng violin- vĩ cầm hoàn toàn không dành cho những cuộc dạo chơi thưởng ngoạn ngắn ngủi. Tôi biết có những ca sĩ với năng khiếu bẩm sinh, hoàn toàn không qua trường lớp nào nhưng chỉ cần cất giọng lên cũng làm thổn thức bao nhiêu trái tim. Nhưng đối với violin, một tiếng đàn nồng nàn, một tiếng đàn đủ để thoát khỏi tần số âm thanh vật lý và có thể chạm tới những cảm xúc vô hình không thể nắm bắt của con người, không chỉ đơn thuần dựa vào những cảm xúc nội tại, mà là sự đúc kết của một quá trình- nhiều năm tháng khổ luyện gian nan theo những giáo trình được biên soạn kỹ càng, của những ngón tay chai lỳ không còn cảm giác vì những bài etude phức tạp. Tiếc là vì không được đào tạo bài bản, tôi không có được một tiếng đàn mượt mà tinh tế tròn đầy, tôi cũng không thể thực hiện được những kỹ thuật phức tạp ghê gớm khiến người nghe trầm trồ thán phục…Nhưng tôi biết rằng, mình vẫn sở hữu một điều tuyệt vời nhất, đó là tuổi trẻ. Tôi nghĩ dù mình còn thiếu thốn bao nhiêu, chưa hoàn thiện thế nào đi chăng nữa trong tiếng đàn, nhưng khi mình còn trẻ, còn năng lượng và nhiệt huyết để xông pha, còn đầy ắp những ý tưởng đủ để mỗi buổi sáng bật dậy khỏi giường và có thẻ bắt tay ngay vào hiện thực hóa chúng…Tôi nghĩ rằng chúng ta, dù là những người phi thường hay bình thường, thành đạt hay còn nhiều trăn trở khó khăn, anh hùng giải cứu thế giới hay chỉ sống an phận qua ngày, phiêu diêu tự do hay hàng ngày 8 tiếng giữa 4 bức tường, bất kỳ ai cũng có những câu chuyện để kể về cuộc đời mình. Từng câu chuyện nhỏ đối với tôi (bằng chính âm nhạc) như những nét vẽ. Có nét to, nét mảnh, nét uyển chuyển, nét thẳng đủ để làm nên một bức tranh cuộc sống muôn màu…”- Hoàng rob đã chia sẻ đầy nhiệt huyết như vậy.

Triết Giang (ghi)

Khát vọng cống hiến - 1

Ca sĩ Minh Thu: Đi tìm chính mình

Năm 2015 có thể là nói là một năm khá vất vả với Minh Thu nhưng bù lại, đã “thu hoạch” được nhiều trái chín ngọt ngào. Đầu năm vừa qua, Thu ra mắt một CD album hát nhạc Phó Đức Phương và đã nhận được sự ưu ái từ khán giả, truyền thông, báo chí rất nhiều, tiếp đó là thử thách cho một Hội diễn chuyên nghiệp Toàn quốc (tháng 5/2015)với một vở nhạc kịch rất công phu,và cũng thành công với một Huy chương (đồng thời cũng là HCV thứ hai trong sự nghiệp ca hát của Minh Thu) bằng ca khúc “Một thoáng Tây Hồ” của nhạc sỹ Phó Đức Phương.

Tháng 9/2015 Minh Thu làm live show đầu tiên tại Nhà hát Lớn mang tên “Khởi nguyên” và ít nhiều cũng gặt được nhiều lời khen cùng tình cảm ấm áp của khán giả. “Khởi nguyên” với Minh Thu giống như cuộc hành trình trở về tìm lại bản ngã của chính mình, tìm lại cội nguồn âm nhạc và cả sự nhiệt huyết của khán giả. Trước khi ra mắt album nhạc đầu tay “Minh Thu hát Phó Đức Phương”, Minh Thu đã ấp ủ ý định làm liveshow này rồi với ước muốn được đứng trên sân khấu trong một đêm diễn của riêng mình. Điều này không dễ thực hiện, nhưng cuối cùng thì duyên cũng đến.

Phải nói rằng, 2015 là một năm thật nhọc nhằn nhưng cũng thật tuyệt với với Minh Thu, bởi sự lao động miệt mài không ngừng nghỉ, sự tập trung cao độ cho từng ca khúc. Đổi lại là sự ủng hộ, quý mến của khán giả dành cho mình là nguồn động lực không bao giờ vơi đối với Thu trong con đường nghệ thuật.Cũng tạm gọi như là đã hoàn thành những dự định được Minh Thu đã đề ra cho năm 2015.

Hoàng Minh

Khát vọng cống hiến - 2

Công Lý: Làm tất cả những gì mình yêu

Nhìn lại một năm qua nếu để nói có việc nào chưa hài lòng thì chưa năm nào tôi hài lòng với việc mình làm.

Quan điểm của tôi, đã làm nghề diễn thì phải diễn được đa dạng vai, không phải cứ diễn hài thì không diễn được chính kịch, hay bi kịch…không được phép quan niệm làm nghề như vậy. Những tượng đài tôi thần tượng về hài như NSND Trần Tiến, NS Phạm Bằng, còn nhiều nghệ sĩ gạo cội tên tuổi tôi thần tượng mà tôi được xem từ bé khiến tôi trân trọng. Tôi nghĩ, đến một ngày nào đó tôi cũng phải làm được như vậy thế thì không thể nói thế hệ sau không có ai. Nếu không có tôi, Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung, Quang Thắng… không có nghĩa sẽ không có thế hệ sau. Nhưng tôi tin chắc sẽ có còn có thế hệ tốt hơn chúng tôi.

Đơn vị tôi công tác là Nhà hát Kịch Hà Nội hiện nay có nhiều cá nhân có khả năng và đang đi theo con đường đó. Tuy vậy, ở đây có vấn đề khó cho sự phát triển đó là với hài kịch đó là chất lượng kịch bản hiện nay đang thiếu và yếu. Tôi chỉ dám nói về mảng sân khấu thì kịch bản nhiều năm nay đã trở thành một nỗi trăn trở lớn của những người hoạt động nghệ thuật. Trường Sân khấu Điện ảnh và nhiều đơn vị đào tạo nghệ thuật có lớp biên tập và học viên vẫn đủ, nhưng tại sao chúng ta vẫn thiếu kịch bản? Các bạn học biên kịch không chú tâm, chỉ khi các bạn học xong về công tác một đơn vị nào đó được giao đề tài để viết thì các bạn mới viết.

Còn nói tâm huyết với một kịch bản tôi cảm thấy các bạn đang bế tắc, đó là một trong những yếu tố khiến kịch bản bị yếu. Nếu mình yêu nghệ thuật thì hãy làm tất cả. Nếu mình buông ra thì giống như việc mình chạy ra làm xe ôm, chạy nhiều thì có tiền nhiều. Nghệ thuật không phải như vậy. Nghệ thuật biểu diễn giống như bỏ vào bầu thì tròn, bỏ vào ống thì dài cái gì cũng phải làm được. Nếu không có tâm, có tình thì không bao giờ làm được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khát vọng cống hiến