Khi cao tốc bị ngập

Ngọc Quang 31/07/2023 07:05

Liên quan đến tình trạng ngập cục bộ tại cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, ngay trong sáng 29/7 Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long báo cáo nguyên nhân trước ngày 3/8, đặc biệt xem xét trách nhiệm của tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, đã được đưa vào khai thác từ ngày 29/4. Cao tốc này hình thành đã rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Phan Thiết và ngược lại xuống từ gần 5 giờ xuống còn hơn 2 giờ. Kể từ ngày 29/4, cao tốc này chính thức đi vào hoạt động.

Nguyên nhân ban đầu dẫn đến ngập, theo chủ đầu tư, do liên tục trong 2 ngày trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có mưa lớn. Đặc biệt, đêm 28/7, mưa liên tục với lượng rất lớn, kéo dài đến 4 giờ 30 phút ngày 29/7, khiến cho cao tốc bị ngập sâu, có nơi đến 70cm (tại lý trình Km 25+419) với chiều dài khoảng 100 mét.

"Tình trạng ngập nước cục bộ do lượng mưa lớn, xảy ra liên tục, nước từ hạ lưu không thoát kịp, chảy ngược lại phía thượng lưu, tràn ra đường cao tốc gây ngập cục bộ" - đánh giá ban đầu của Ban Quản lý dự án Thăng Long.

Tuy nhiên, một số chuyên gia xây dựng cầu đường lại không đồng ý với giải thích của Ban Quản lý dự án, từ đó nêu ra nhiều câu hỏi. Thứ nhất, cao tốc bao giờ cũng cao hơn mặt đường cũ (nếu có), cao hơn nhiều so với mặt bằng hai bên, thì không thể là “rốn nước” được. Thứ hai, cao tốc này mới đưa vào sử dụng hơn 3 tháng vì sao lại xảy ra sự cố nghiêm trọng như vậy. Thứ ba, nhà đầu tư có xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp hay không. Thứ tư, gần đó là sông Phan, khả năng tiêu thoát nước dễ dàng, nhưng vì sao cao tốc lại bị ngập kéo dài tới 7 giờ.

Ông Nguyễn Quốc Nam - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết, đầu tuần này các bên liên quan sẽ họp với địa phương để nghe phương án khắc phục.

Trong khi đó, giới chuyên gia hạ tầng giao thông cho rằng chuyện ngập trên đường cao tốc là điều hầu như không thể xảy ra. Đây là đường chuyên dụng cho các phương tiện ô tô (tốc độ tối đa cho phép 120km/h), được đầu tư lớn bằng ngân sách nhà nước, nền đường được thiết kế cao, nằm xa khu dân cư nên nếu ngập nước thì cần phải xem xét lại thiết kế, hệ thống thoát nước và cả việc kiểm tra chất lượng mặt đường sau ngập.

Câu hỏi đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm? vì quy hoạch thiết kế thế nào mà mới đưa vào sử dụng đã bị ngập nặng, nếu mưa bão lớn hơn thì có chống chịu nổi không? Xây dựng hệ thống cao tốc với tinh thần “giao thông đi trước một bước” trong phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã đầu tư rất lớn. Đáp lại, việc đầu tư, quy hoạch xây dựng cần tính toán lâu dài, không phải vì nhu cầu cấp thiết của xã hội mà còn phải đảm bảo an toàn cho tài sản cũng như tính mạng người dân.

Với đoạn ngập sâu trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, không thể chấp nhận đoạn cao tốc đó bị võng nên không thoát nước được. Nếu thế, thì thiết kế không ổn cho dù ban quản lý dự án khẳng định việc thi công đã thi công hoàn thiện toàn bộ các hạng mục theo đúng nội dung hồ sơ thiết kế được duyệt. Không chỉ cao tốc, mà bất cứ cung đường nào bị nước ngập thì đều dẫn đến việc mặt đường bị hư hỏng.

Trong trường hợp này không nên vội vã quy kết do tiêu cực, bớt xén trong thi công hoặc thay đổi nguyên vật liệu làm đường; điều đó phải được các cơ quan chức năng kết luận với một quá trình điều tra công phu. Tuy nhiên, việc ngập lụt trên tuyến Dầu Giây - Phan Thiết cần phải coi là hồi chuông cảnh báo trong việc xây dựng cao tốc. Đây là loại hình giao thông hiện đại, thiết kế cho việc sử dụng hàng trăm năm nên trách nhiệm của nhà thầu, đơn vị thiết kế, thi công rất lớn, không được phép làm ẩu, lại càng không được phép trục lợi.

Dư luận mong rằng các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, xác định rõ nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm, sớm có phương án khắc phục. Chỉ một trận mưa lớn mà lỗi đã lộ ra, thì đó phải coi là việc rất hệ trọng.

Cũng cần nhắc lại, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km, đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Trong đó đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài 47,5km, Đồng Nai dài 51,5km. Đây là dự án được đầu tư cấp đặc biệt, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, mỗi bên 1 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư 12.577 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi cao tốc bị ngập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO