Xã hội

Khi cò trắng bay về

VIỆT HÀ 11/02/2024 00:40

Những ngày giữa tháng Chạp, trên cánh đồng thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, một cảnh tượng vô cùng thú vị xuất hiện - từng đàn cò trắng bay về, rợp cả một vùng. Theo người dân địa phương thì đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Thông thường, như một lời hẹn ước, cữ độ đầu tháng 12, khi nông dân dọn dẹp đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông Xuân, cũng là lúc cò bay về tìm thức ăn. “Những năm qua, cò cũng về, nhưng không nhiều. Năm nay thì khác, cò bay về nhiều gấp 4, 5 lần năm ngoái”, ông Nguyễn Văn Hân, nông dân ở thị trấn Tràm Chim phấn khởi nói.

Không chỉ ông Hân hay bà con nông dân ở Đồng Tháp, mà với nhiều người, việc xuất hiện hàng nghìn con cò trên cánh đồng ở huyện Tam Nông là tín hiệu tích cực đối với môi trường sinh thái.

Ngắm nhìn đàn cò ríu rít bay về, cảm giác vui và bình yên đến lạ.

Năm qua, lúa được mùa, được giá bà con phấn khởi, đâu đâu cũng rộn rã những niềm vui, từ Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… vụ Đông Xuân xuống giống với rất nhiều kỳ vọng. Cũng năm qua Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm nức lòng bao người.

Bao năm trồng lúa, bà con nông dân chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm giàu từ hạt lúa. Thế nhưng, bây giờ, điều đó hoàn toàn có thể. Khi thực hiện Đề án, sản xuất sẽ theo hướng bền vững hơn, giảm phát thải, giảm chi phí và đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập cho người nông dân.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm, đóng góp trên 50% sản lượng lúa cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu. Mục tiêu của Đề án nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, cụ thể là giảm lượng giống còn 80kg/ha, giảm phân bón và thuốc trừ sâu 30%, giảm nước tưới 30%, đồng thời giảm thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 8%...

Người dân sẽ từng bước chuyển đổi tập quán sản xuất, từ sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống sang sản xuất lúa sinh thái. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành vùng chuyên canh xuất khẩu, gia tăng chuỗi giá trị lúa gạo. Kỳ vọng của người nông dân - làm giàu từ hạt lúa là hoàn toàn có cơ sở.

Vẫn biết, để thực hiện thành công Đề án, còn rất nhiều khó khăn, thế nhưng nếu có sự đồng lòng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn toàn khả thi, bởi chúng ta đang đặt lợi ích của người nông dân, lợi ích môi trường sinh thái lên cao nhất, trước nhất và trọng tâm nhất.

Đất lành chim đậu. Hy vọng một năm sản xuất thắng lợi, mùa màng bội thu, bội giá - Một năm đong đầy những nụ cười trên gương mặt người nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi cò trắng bay về

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO