Trên đường từ Sơn Dương, Tuyên Quang về Vĩnh Yên, 4-5 đứa trẻ lóc nhóc đạp xe về nhà sau khi tan học, vừa đi vừa cười đùa. Một cậu bé đạp dấn lên, vượt qua bạn. Cô bé đạp nhao theo, ngoặt tay lái lao ra giữa đường, đúng lúc chiếc xe ô tô 7 chỗ lao tới. Ông lái xe giật mình, đánh lái sang phải để tránh nhưng không kịp.
Trên thực tế, việc học sinh tiểu học tự đi xe đạp đến trường vẫn diễn ra ở nhiều nơi và những vụ va chạm như trên không hiếm gặp.
Từ 15/12/2022 đến 14/10/2023, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh độ tuổi từ 6 - 18 tuổi là 881 vụ, làm chết 490 người, bị thương 827 người, theo số liệu được đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc, chuyên đề “Bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh”, ngày 2/11/2023.
Trước tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em làm chết nhiều người, cuối tháng 12/2023, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới với nhiều biện pháp, trong đó có yêu cầu 100% các trường học xây dựng nội dung giáo dục an toàn giao thông lồng ghép vào các môn học trong chương trình chính khóa, khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng…
Cho đến nay, Việt Nam chưa có quy định pháp luật nào quy định học sinh bao nhiêu tuổi thì được phép đạp xe đến trường.
Trong khi đó, nhiều nước quy định rõ độ tuổi trẻ em được phép đi xe đạp đến trường, thậm chí là cả các tiêu chuẩn, quy cách của một chiếc xe đạp dành cho trẻ. Ở Đan Mạch, trẻ em từ 6 tuổi chỉ được phép đến trường bằng xe đạp trừ khi có người từ 15 tuổi trở lên đi cùng. Ở Đức, trẻ em phải ít nhất 8 tuổi với các quy định tương tự như ở Đan Mạch. Ở Ba Lan, trẻ em trên 10 tuổi phải vượt qua bài kiểm tra mới được phép lưu thông trên đường.
Mới đây, một công ty cho thuê xe đạp ở Thượng Hải đã bị khởi tố vì cho một cậu bé 11 tuổi thuê xe đạp dẫn đến tai nạn, cậu bé thiệt mạng. Cảnh sát Thượng Hải kết luận rằng ngoài công ty cho thuê xe đạp, đứa trẻ và những người giám hộ cũng phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này vì luật giao thông Trung Quốc cấm trẻ em dưới 12 tuổi đi xe đạp trên đường công cộng.
Ở Mỹ, mỗi bang có những quy định riêng về độ tuổi trẻ em đạp xe tham gia giao thông, nhưng theo các hướng dẫn liên bang, trẻ em từ 12 tuổi được coi là có đủ khả năng về thể chất và tinh thần để đạp xe an toàn trên đường đến trường, với điều kiện là chúng đã được giáo dục và luyện tập đạp xe phù hợp dưới sự giám sát của người lớn.
Các hướng dẫn nhấn mạnh rằng độ tuổi không phải là yêu cầu duy nhất. Mỗi đứa trẻ phát triển theo tốc độ riêng của mình, vì vậy cha mẹ và người giám hộ cần xem xét sự trưởng thành của cá nhân, khả năng tuân thủ luật lệ giao thông và phán đoán tổng thể trước khi cho phép trẻ tự đi xe đạp đến trường.
Có nghĩa là ngoài việc đủ tuổi, trẻ còn cần hướng dẫn, thẩm định từ cha mẹ và người giám hộ để đảm bảo đủ nhận thức về an toàn mới được tự đạp xe đến trường.
Ở nước ta, các điều kiện này đang bị nhiều bậc cha mẹ xem nhẹ. Ngay tại Hà Nội, việc trẻ em dưới 10 tuổi tự đạp xe đến trường, tham gia giao thông trên phố là không hiếm. Hàng ngày đưa đón con, tôi chứng kiến nhiều đứa trẻ chỉ mới 7-8 tuổi đã tự đạp xe đi học.
Tôi biết các cháu chưa hề được học luật giao thông, được hướng dẫn các quy tắc di chuyển trên đường, vì chúng học cùng khối, cùng trường với con tôi.
Nhận thức giản đơn đã khiến một số người phản đối khi trường học không cho phép học sinh tiểu học đi xe đạp đến trường.
Mới đây, một số phụ huynh Trường Tiểu học Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh về việc con không được đi xe đạp đi học và giáo viên chủ nhiệm đã gửi tin nhắn trong nhóm chat chung của phụ huynh lớp để thông báo vấn đề này. Có phụ huynh cho rằng “cấm học sinh tiểu học đi xe đạp tới trường là không phù hợp”.
Xét về luật pháp thì phụ huynh có lý vì đâu có điều khoản nào cấm trẻ em đạp xe đến trường. Nhưng gần 500 học sinh, thiếu niên thiệt mạng, 800 em bị thương mỗi năm là “hết sức lo ngại”, theo nhận định của Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an tại hội nghị về bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em tháng 11/2023.
Đúng là nếu biết đi xe đạp, trẻ có thể tự đến trường mà bố mẹ không mất thời gian đưa đón. Phụ huynh băn khoăn không biết vì sao nhà trường lại cấm học sinh đi xe đạp tới trường và lứa tuổi nào thì học sinh được đi xe đạp.
Chưa có quy định thì xây dựng, nhất là khi việc ấy giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng và giúp con em chúng ta được an toàn hơn khi ra đường.