Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dữ liệu. Nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ với sự cần thiết của việc ban hành Luật. Song cần quy định chặt chẽ để bảo mật dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư, tránh tình trạng lộ, lọt thông tin. Bên cạnh đó, việc quy định rõ điều kiện, trường hợp được chuyển dữ liệu ra nước ngoài cũng nhận được nhiều ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội.
Thu thập, sử dụng thông tin bí mật cá nhân phải được sự đồng ý
ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) cho rằng, thực tế hiện nay nhiều dữ liệu được thu thập, lưu trữ còn trùng lặp, chồng chéo chưa thống nhất về dữ liệu dùng chung gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ và khai thác.
Đề cập đến bảo mật dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư, theo ông Nghĩa hiện tình trạng lộ, lọt xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng do đó phải có quy định cụ thể về bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng. Vì vậy dự thảo Luật lần này cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân, phải áp dụng các biện pháp bảo mật như: mã hoá, xác định 2 yếu tố bảo vệ bức tường lửa, công nghệ giúp bảo quản tất cả dữ liệu để bảo đảm thống nhất dữ liệu.
Bên cạnh đó, cần chế tài nghiêm khắc để xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo mật dữ liệu. “Các cơ quan tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu cá nhân bị rò rỉ, đánh cắp do sơ suất trong quá trình bảo mật” - ông Nghĩa nói và cho biết qua tiếp xúc cử tri thì cử tri cũng rất quan tâm đến tình trạng dữ liệu cá nhân bị lộ lọt, bị khai thác, mua bán trái phép nhưng chưa được kiểm soát, hệ thống thông tin còn các lỗ hổng bảo mật hoặc việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với dân cư vẫn còn khó khăn. Do vậy, đề nghị dự thảo Luật lần này tiếp tục nghiên cứu, khắc phục các vấn đề trên.
Theo ĐBQH Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc), Hiến pháp quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Hay tại Khoản 1 Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Do vậy ông Tiến cho rằng, việc thu thập lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên của gia đình đồng ý. Vì vậy cần rà soát quy định tại điểm b, khoản 4, điều 21 của dự thảo Luật để đảm bảo với Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp), hiện dữ liệu thu thập trùng lắp, chồng chéo, hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khó khăn trong khai thác, lưu thông. Do đó, luật hoá dữ liệu là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên ông Hoà đề nghị: “Quản lý nhà nước về dữ liệu rất quan trọng nên cần sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, nhất là cơ quan được giao trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng, xử lý khai thác dữ liệu nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân và lợi ích hợp pháp của cá nhân”.
“Dữ liệu rất quan trọng nên các loại tội phạm đều tìm mọi cách có được để thực hiện các hành vi gây nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức và kể cả quốc gia. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát thật kỹ, nghiên cứu và bổ sung thêm, nhất là những hành vi có thể phát sinh trong tương lai. Bởi vì hiện nay tội phạm cũng đang phát triển để thích nghi nhằm đạt được mục đích là phạm tội, rõ nhất là trong thời gian vừa qua thì tội phạm lừa đảo phát triển rất đa dạng và tinh vi”- ĐBQH Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) nêu rõ.
Dẫn chứng từ việc bản thân ông trong thời gian vừa qua cũng nhiều lần bị lừa đảo, ông Sinh đặt vấn đề: “Không hiểu vì sao họ lại có đầy đủ những thông tin cá nhân, số điện thoại, công việc, chức vụ của tôi để đe dọa rất nhiều lần? kể cả việc tôi thanh toán tiền điện, tiền nước qua App cho gia đình ba mẹ tôi họ cũng biết và gọi để đe dọa”.
Từ đó, theo ông Sinh, có thể dữ liệu đã bị lọt ra ngoài. Trong khi đó, tại khoản 10 Điều 9 lại quy định các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật. “Quy định như thế này tôi thấy còn chung chung, bởi vì pháp luật thì nhiều lắm, gần như luật nào của chúng ta cũng đều có điều khoản để nghiêm cấm” - ông Sinh nói và đề xuất bổ sung thêm quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều này. Bởi nếu làm như vậy thì sẽ kịp thời cập nhật các thủ đoạn phạm tội mới phát sinh và sẽ có những chế tài phù hợp.
Quy định rõ điều kiện, trường hợp được chuyển dữ liệu ra nước ngoài
Đề cập đến các nội dung liên quan đến việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) phân tích, với thực trạng mua, bán dữ liệu nói chung và việc chuyển giao dữ liệu giữa tổ chức, cá nhân rất phổ biến, có các hoạt động chuyển dữ liệu ra nước ngoài. Trong đó, có những tổ chức, cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc những tổ chức, cá nhân người người nước ngoài có tham gia các hoạt động chuyển dữ liệu này, nhất là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng của quốc gia.
“Hoạt động này tiềm ẩn những nguy cơ, trong đó có tác động đến quốc phòng, an ninh và những nội dung quan trọng khác của quốc gia. Do đó, quy định các nội dung trong việc hạn chế việc chuyển dữ liệu và kiểm soát việc chuyển giao các dữ liệu nêu trên ra nước ngoài chính là thắt chặt việc dữ liệu cá nhân, dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an toàn thông tin cho tổ chức, cá nhân và đảm bảo tài nguyên dữ liệu của tổ chức và của quốc gia” - bà Phúc kiến nghị.
Cùng quan điểm, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) nêu vấn đề, việc mua bán dữ liệu nói chung và chuyển giao dữ liệu giữa các tổ chức cá nhân ngày càng phổ biến, không chỉ mang tính chất cơ bản mà càng chuyên nghiệp, thường xuyên và trở thành các dịch vụ kinh doanh... tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Ông Nghĩa nói: Nhiều nước trên thế giới đã quy định hạn chế, và kiểm soát việc chuyển giao dữ liệu này ra nước ngoài để đảm bảo an ninh tài nguyên dữ liệu. Dự thảo Luật đã có quy định rõ ràng về yêu cầu, điều kiện thủ tục chuyển dữ liệu ra nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với dữ liệu cốt lõi, và dữ liệu quan trọng. Đồng thời việc này giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Liên quan đến vấn đề trên, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị cần phải thận trọng. Theo đó, bảo vệ dữ liệu bí mật của tổ chức, cá nhân, không để kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu, trục lợi bằng nhiều hình thức khác nhau, bảo vệ chủ quyền số và lợi ích quốc gia, nhưng cũng đảm bảo hài hoà thông lệ quốc tế, không cản trở dữ liệu an toàn tự do biên giới. Ngoài ra, cần xác định cụ thể các trường hợp bị cấm, hoặc hạn chế ra nước ngoài đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) nhận định, việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường, mở rộng nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển nền kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, luồng dữ liệu phi biên giới ngày càng gia tăng đòi hỏi phải có khung pháp lý rõ ràng để quản lý chặt chẽ dữ liệu chuyển ra nước ngoài.
Song để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, ông Thắng đề nghị, xác định các loại dữ liệu quan trọng bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài. Bên cạnh đó, quy định về lưu trữ bản sao dữ liệu quan trọng tại Việt Nam và truy xuất, kiểm soát dữ liệu, trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố về dữ liệu. Nhất là, quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong việc giải quyết, quyết định việc chuyển giao dữ liệu và tuân thủ quy định về đánh giá dữ liệu để tránh chồng chéo trong công tác quản lý.
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) thì đề nghị, cần quy định rõ các điều kiện, các trường hợp cần được thực hiện chuyển dữ liệu, quy trình chuyển dữ liệu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm về quy định thẩm quyền của Bộ Công an thực hiện đánh giá và quyết định cung cấp, chuyển giao dữ liệu quan trọng thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành với quy định hiện hành.
“Dự thảo Luật quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài nhưng chưa làm rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài và quy trình cụ thể. Trong bối cảnh quốc tế hóa, việc chuyển dữ liệu xuyên biên giới đòi hỏi phải có khung pháp lý rõ ràng để bảo vệ chủ quyền số của quốc gia. Vì vậy làm rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài và quy trình chi tiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”- ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) kiến nghị.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội rất sâu sát, cụ thể theo từng vấn đề dù đây là một luật mới, chuyên ngành và rất khó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Công an tập trung nguồn lực nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một cách hợp lý, xác đáng các ý kiến của đại biểu Quốc hội. “Bộ Công an sẽ sớm hoàn thiện tiếp thu, chỉnh lý cố gắng đảm bảo chất lượng để Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Dữ liệu tại kỳ họp này” - Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.
Ngày làm việc thứ 16 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Ngày 8/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 16 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Buổi sáng: Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường để nghe các nội dung: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dữ liệu.
Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).