Khí hậu cũng “chệch đường ray”

Thanh Đức 17/05/2022 08:31

Thông báo mới đây của Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ, cho biết lúa mì vẫn được phép xuất khẩu sang các quốc gia có nhu cầu, thay vì cấm hẳn việc xuất khẩu. Quyết định trên cho thấy mối lo ngại của Ấn Độ về an ninh lương thực trong lúc giá nông sản tăng cao, đặc biệt là nước này đang phải trải qua những đợt nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp.

Nhiều người dân Ấn Độ rời thành phố đi bộ về quê giữa thời tiết nắng nóng. Nguồn: Bloomberg

Theo trang Hindustan Times, nhiệt độ ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) vào ngày đầu tuần có lúc lên tới 42,5 độ C. Trong khi đó, tại thành phố Najafgarh, nhiệt độ còn lên tới 46,1 độ C. Nắng nóng khác thường bắt đầu từ cuối tháng 3 và kéo dài đã khiến 25 người ở bang Maharashtra tử vong.

Trang The Independent thông tin, giới khoa học Ấn Độ cảnh báo nắng nóng xảy ra sẽ ngày càng gay gắt vì cao điểm mùa hè sẽ rơi vào tháng 6. Trong khi đó các chuyên gia nông nghiệp cho biết, sản lượng lúa mì sẽ sụt giảm do thời tiết cực đoan, nắng nóng dữ dội khiến ruộng đồng khô khát và người nông dân cũng không đủ điều kiện để chăm sóc cây trồng. Trước tình thế đó nhiều ý kiến cho rằng chính phủ cần cấm xuất khẩu lúa mì “ngay lập tức” để bảo đảm lương thực cho đất nước với 1,3 tỷ dân.

Tuy nhiên, không chỉ Ấn Độ phải chịu đựng “một mùa hè đổ lửa đến sớm”, mà châu Á nói chung cũng đang gặp phải nền thời tiết thất thường đến khó hiểu. Nắng nóng quá mức khiến Cơ quan Khí tượng Pakistan phải khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, trong lúc dự báo nhiệt độ có thể lên tới 50 độ C chỉ trong một vài ngày tới.

Mới đây, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances đã chỉ ra nhiệt và độ ẩm bất thường vào thời gian này ở một số vùng thuộc châu Á đã "tiến gần giới hạn chịu đựng của con người". Trên thực tế làn sóng nhiệt đã lan rộng sang các khu vực ven biển ở Ấn Độ. Chính quyền New Dehli đã yêu cầu giới chức địa phương lên kế hoạch chuẩn bị chống lũ khi mùa mưa đã đến gần.

Trong khi đó, các khu vực nhiệt đới ở Đông Nam Á lại đang chứng kiến mức nhiệt thấp bất thường. Đài Quan sát Hồng Kông (Trung Quốc) ghi nhận nhiệt độ 16,4 độ C, mức nhiệt tháng 5 thấp nhất kể từ năm 1917. Thông tin này được loan bởi báo The Guardian, đi cùng bình luận cho rằng “không thể nói đó là điều kì dị tính trong vòng 1 thế kỉ”. Bài báo cũng dẫn lời người dân ở Umphang (Thái Lan) cho biết, người ta chưa từng “một lần trong đời” lại có được những ngày mát mẻ đến như thế. Còn tại thành phố Quảng Châu (phía nam Trung Quốc), nhiệt độ cuối tuần đầu tháng 5 chỉ ở mức 13,7 độ C, tương đương với nền nhiệt hồi Tết Nguyên đán.

Giới khí tượng châu Á cho rằng, châu lục này đang như thể “tách đôi” khi mà một khu vực thì quá nóng cho dù chưa vào cao điểm mùa hè, còn khu vực khác lại như thể quay về những ngày cuối đông. “Đó là cảnh báo rõ rệt về mùa năm thời tiết cực đoan ở châu Á”- tờ Guardian viết.

Chưa hết, giới khoa học còn cho rằng từ những diễn biến khác lạ kể từ cuối tháng 3 tới nay, có cảm giác như Trái Đất đang “chệch đường ray". Chu kỳ La Nina lẫn thời kỳ nguội lạnh toàn cầu tự nhiên không còn kháng cự nổi tác động của con người và Trái Đất vẫn tiếp tục ấm lên. Theo hãng tin AP, hơn 90% san hô ở Great Barrier Reef - hệ sinh thái rạn san hô lớn nhất thế giới, đã bị tẩy trắng, môi trường biển ở đây đang lâm vào tình thế tuyệt vọng.

Nhưng đó vẫn không phải là điều “ngược đời” duy nhất. Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học PNAS, cho rằng Trái Đất liên tục dao động giữa 2 trạng thái "ngôi nhà nóng" và "ngôi nhà băng". Có nghĩa là một số nơi rất nóng trong khi những nơi khác lại rất lạnh. “Đó là điều chúng ta đã không chịu lường trước mà chỉ chú ý đến hiện tượng ấm lên của bầu khí quyển do hiệu ứng nhà kính, cho dù giới khoa học đã đưa ra cảnh báo từ năm 1970” - TS Marie Monifele, chuyên gia khí tượng học Mỹ nhận xét.

Tờ Science Alert còn trích dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu khí hậu Hui Shi (Viện Farallon ở Petaluma, bang California, Mỹ), cho rằng khí hậu đại dương cũng "chệch đường ray" trên diện rộng, như thể đại dương đã mất trí nhớ". Khái niệm “đại dương mất trí nhớ” là để mô tả việc biến động khí hậu thất thường, mất tính chu kỳ nên không còn có thể dự báo trước.

Hãng tin AP trích dẫn bình luận của nhà khoa học khí hậu Zeke Hausfather từ Công ty Công nghệ Stripe & Berkeley Earth, cho rằng với việc La Nina đang vào năm thứ 2 vẫn không kháng cự nổi với sự nóng lên ở nhiều vùng trên Trái Đất cho thấy khí hậu ngày càng cực đoan. Điều đó dẫn tới nguy cơ hạn hán sẽ bao trùm các khu vực Tây Nam Âu, Tây Nam Bắc Mỹ và ngược lại, khiến Bắc Âu, khu vực Sahel ở châu Phi, Đông Bắc Brazil và Úc lại quá ẩm ướt, tức có nguy cơ chìm trong mưa lũ năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khí hậu cũng “chệch đường ray”