Hiện nay, các nền tảng giải trí, mạng xã hội đang lấn át những sáng tạo mang tính học thuật... Ngoài nguyên nhân chính là do các lĩnh vực của văn học, nghệ thuật đang thiếu vắng những tác phẩm chất lượng, có thể chạm sâu tới đời sống công chúng thì công tác lý luận - phê bình cũng chưa phát huy được vai trò định hướng, chưa kịp thời phát hiện, nâng đỡ các tài năng mới…
Thị hiếu công chúng đang bị cuốn theo tốc độ
Không thể phủ nhận mạng xã hội, nền tảng video ngắn, gameshow truyền hình và các nội dung “tức thời” đang chiếm lĩnh sự quan tâm của công chúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là công chúng không cần các giá trị học thuật, hay các tác phẩm nghệ thuật mang chiều sâu. Vấn đề là ở chỗ chúng ta chưa có đủ những tác phẩm như thế để níu giữ độc giả trong dòng chảy số hóa đầy biến động.
Trong bối cảnh hiện nay, không ít người sáng tạo sẵn sàng chấp nhận đánh đổi để kiếm tiền, bất chấp chất lượng nội dung và giá trị nghệ thuật. Họ cho ra đời những sản phẩm hời hợt, thiếu chiều sâu tư tưởng lẫn thẩm mỹ. Đáng nói hơn, một bộ phận công chúng lại dễ dãi chấp nhận những tác phẩm nhạt nhòa ấy.
Nhìn từ góc độ của người sáng tác, nhà thơ Lữ Mai cho rằng, thị hiếu công chúng đang bị cuốn theo tốc độ, cảm xúc tức thì, hình ảnh thu hút và những cú chạm ngắn gọn. Không thể phủ nhận, mạng xã hội, các nền tảng giải trí số, truyền thông đại chúng đang tạo ra cùng lúc quá nhiều "cơn lốc", tác động vào những giá trị có chiều sâu.
Nhà thơ Lữ Mai phân tích, nguyên nhân không hoàn toàn ở "làn sóng số" hay thị trường hóa văn hóa, mà sâu xa là do văn học nghệ thuật đang có khoảng trống về những tác phẩm chất lượng. Chúng ta thiếu tác phẩm dám đối thoại trực diện với hiện thực đa chiều, vừa có nội hàm văn hóa - tư tưởng, vừa có sức lay động.
“Khi sáng tạo chưa thực sự bắt nhịp với thời đại, không phản ánh được tâm thế con người trước các biến đổi lớn về môi trường sống, công nghệ, bản sắc, thậm chí có tính dự báo, đi trước thời đại... thì đương nhiên công chúng sẽ tìm tới những hình thức dễ tiếp cận hơn” - nhà thơ Lữ Mai nêu quan điểm.
Đội ngũ phê bình… sợ bị “ném đá”
Trong bối cảnh đời sống văn hóa nghệ thuật ngày càng đa dạng và phức tạp, vai trò của công tác lý luận, phê bình càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, lĩnh vực này ở nước ta vẫn chưa phát huy được vị thế định hướng. Không ít trường hợp, lý luận, phê bình vẫn đứng ngoài cuộc, thiếu những tiếng nói sắc sảo và mạnh mẽ để đồng hành, phản biện và nâng tầm các sáng tạo văn học nghệ thuật.
Cùng với đó việc chậm trễ trong phát hiện, cổ vũ, nâng đỡ các tài năng mới khiến nhiều tác giả trẻ thiếu chỗ dựa về chuyên môn, về định hướng phát triển lâu dài. Chính điều này làm cho không gian văn hóa nghệ thuật ngày càng mờ nhạt trong đời sống công chúng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, công tác lý luận, phê bình thời gian qua tuy đã có những chuyển động và đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Một trong những vấn đề đáng lưu ý là thái độ phê bình hiện nay thiếu sự thẳng thắn, thiếu khách quan, thiếu cả bản lĩnh.
Nguyên nhân của thực trạng này, theo ông, xuất phát từ chính đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình cả về năng lực chuyên môn, trình độ học thuật lẫn bản lĩnh nghề nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, không ít người làm phê bình tỏ ra e ngại khi đưa ra những nhận xét mang tính phản biện vì lo bị chỉ trích, "ném đá". Trong khi nhiều năm trước chưa có mạng xã hội hoạt động phê bình diễn ra công khai, khách quan, công bằng và chuyên nghiệp hơn. Đó là thực trạng cần nhìn nhận lại một cách sâu sắc.
Cùng quan điểm, nhà thơ Lữ Mai cho rằng, trong nhiều năm qua, lý luận - phê bình văn học nghệ thuật ở nước ta đôi khi vẫn "đứng bên lề" đời sống, thiếu vắng tiếng nói mạnh mẽ, thiếu sự phát hiện và bồi đắp các tài năng mới, thiếu các cuộc tranh luận học thuật mang tính xây dựng... Đặc biệt, thiếu sự hòa nhập sâu vào đời sống số - môi trường mà công chúng hiện đại đang sống, đọc và suy nghĩ, phản biện hằng giờ, hằng ngày.
Để nhà phê bình thực sự dấn thân
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lý văn học nghệ thuật cần xác lập những định hướng rõ ràng hơn, đồng thời tạo dựng không gian sáng tạo cởi mở cho văn nghệ sĩ cũng như đội ngũ lý luận, phê bình.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có những quy định cụ thể nhằm kiểm soát chất lượng sáng tác - không để các sản phẩm yếu kém về nội dung và nghệ thuật tràn lan.
“Việc kiểm soát cần được triển khai nghiêm túc, toàn diện – không chỉ với sách báo, ấn phẩm truyền thống mà còn trên mạng xã hội, nơi ngày càng phổ biến các chương trình giải trí, phim ảnh hời hợt, thiếu chiều sâu, ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu công chúng” - ông Kỷ nhấn mạnh.
Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là đẩy mạnh giáo dục thẩm mỹ, nâng cao năng lực tiếp nhận văn hóa nghệ thuật cho công chúng. Điều này cũng đòi hỏi các nhà sáng tác, giới lý luận, phê bình phải không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh và trách nhiệm nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu mới trong thời đại số.
Còn TS Bùi Thế Đức - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, công tác lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, cần thẳng thắn chỉ rõ những biểu hiện lệch lạc, góp phần định hướng và khắc phục tình trạng một số văn nghệ sĩ thiếu gắn bó với những vấn đề lớn của đất nước và nhân dân.
Bên cạnh đó, trong kỷ nguyên mới của dân tộc cần tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật quốc tế, trong đó có công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để bắt kịp tư duy, nhịp điệu của nghệ thuật hiện đại thế giới. Hiện thực hóa kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho các năng khiếu, tài năng văn học, nghệ thuật.