Văn hóa

Khi nghệ thuật kích cầu du lịch

Ngọc Hoa 04/01/2025 14:32

Những ngày qua, tại không gian Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hà Nội), vở cải lương “Cành khế ngọt” của Nhà hát Cải lương đã để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng với du khách. Cùng thời điểm này, nhiều nhà hát lần lượt ra mắt các chương trình nghệ thuật đặc sắc gắn với du lịch Thủ đô.

anhbentrai 8
Vở “Cành khế ngọt” biểu diễn tại không gian Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hà Nội). Ảnh: PV/Vietnamplus.

“Cành khế ngọt” là vở diễn nằm trong dự án xây dựng các "Chương trình nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch" được Bộ VHTTDL chỉ đạo. Vở diễn được dàn dựng với nhiều thử nghiệm mới, những sáng tạo trên nền nghệ thuật truyền thống theo định dạng: ca nhạc kịch cải lương đương đại, để phù hợp nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách.

Sau khi xem vở cải lương “Cành khế ngọt”, một số khán giả ở Hà Nội bày tỏ sự thích thú bởi thay vì diễn trên sân khấu thông thường, vở diễn đã tận dụng toàn bộ không gian 4 chiều của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm cho các nghệ sĩ biểu diễn, để khán giả như được hòa vào không gian của vở diễn, chạm vào những cảm xúc thăng hoa của các nghệ sĩ.

Theo TS.NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, đây là dịp để Nhà hát quảng bá những nét đẹp của nghệ thuật cải lương Việt Nam để đưa nghệ thuật cải lương tiếp cận ngày càng nhiều hơn các tầng lớp khán giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là khán giả trẻ.

Trước đó, ngày 19 - 20/12/2024, Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt chương trình “Ký ức trong tôi” (ý tưởng kịch bản: Lại Huy Hoàng, đạo diễn: NSƯT Cao Ngọc Ánh), diễn miễn phí tại sân khấu Gạch trong Công viên Thống Nhất. Chương trình kết hợp nhiều thể loại âm nhạc, nhiều phong cách để đáp ứng thị hiếu của các thế hệ khán giả khác nhau của sân khấu công cộng ngoài trời. Sân khấu này nằm phía đường Nguyễn Đình Chiểu, từng được xem là biểu tượng của nghệ thuật đường phố Hà Nội những năm 1980 - 1990.

Tối 29/12, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Việt Nam - Huyền sử diễn ca: Thăng Long - Tứ trấn” cũng được tổ chức tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Thăng Long - Tứ Trấn gắn với sự ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý những năm 1010, là truyền thuyết và di tích hiện hữu về 4 vị thần hộ pháp linh thiêng trấn giữ kinh thành Thăng Long: Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên, Quán Thánh. Đây còn được coi là 4 ngôi đền linh thiêng bậc nhất chốn kinh kỳ chính bởi lịch sử hình thành và vẻ đẹp văn hóa của nó trong tín ngưỡng của người Việt.

“Thăng Long - Tứ trấn” có sự tham gia của 6 nhà hát gồm: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam. Mỗi nhà hát tham gia chương trình phát huy thế mạnh của từng loại hình nghệ thuật, thu hút được rất nhiều sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước.

Đây có thể là nói là tín hiệu mừng cho các nhà hát, bởi lâu nay, việc sân khấu truyền thống thiếu vắng khán giả khiến những người trong cuộc luôn đau đáu những nỗi niềm. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, như NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ, khâu quảng bá giá trị của các loại hình nghệ thuật vẫn còn rất nhiều hạn chế. Thực trạng này có nguyên nhân từ việc chất lượng nội dung và nghệ thuật của các chương trình, hình thức trình diễn, giới thiệu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng. Và cũng có nguyên nhân từ việc các đơn vị nghệ thuật chưa năng động sáng tạo và chưa có điều kiện giới thiệu quảng bá tác phẩm đến công chúng.

Chính vì vậy, khi Bộ VHTTDL ra quyết định về việc triển khai nhiệm vụ "Hỗ trợ phát triển sản phẩm nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch" đã mang đến nhiều hy vọng cho các nhà hát và các nghệ sĩ. Và gần 2 tháng qua, sự ra đời của những sản phẩm du lịch nghệ thuật từ sự năng động, sáng tạo của các nhà hát đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả, không chỉ giúp nghệ thuật truyền thống ngày càng đến gần hơn với khán giả mà còn góp phần kích cầu du lịch và thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nghệ thuật kích cầu du lịch