Khi nhiệt độ bị phá vỡ

Hà Anh 25/05/2023 07:15

Theo một nghiên cứu mới được công bố, nếu tốc độ nóng lên toàn cầu hiện nay không được kiểm soát, sẽ đẩy hàng tỷ người ra khỏi “khí hậu thích hợp”, nhiệt độ mà con người có thể phát triển và khiến họ phải đối mặt với nguy hiểm.

Nhiệt độ cao đang thách thức sức chịu đựng của con người. Ảnh: CNN.

Tiệm cận mức nguy hiểm

Thế giới đang chứng kiến ngày càng nhiều những kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ ở nhiều nơi, đe dọa đến sinh kế, sức khỏe và nơi an cư của con người. Châu Âu, mức nhiệt tăng hơn 2 lần so với nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 30 năm qua, và khu vực này ghi nhận tốc độ tăng nhiệt cao nhất so với bất kỳ lục địa nào khác trên toàn cầu. Trong khi đó, các vùng rộng lớn ở khu vực Trung Đông, Trung Á và Bắc Phi trong cả năm 2022 cũng ghi nhận nhiệt độ trung bình cao chưa từng có. Các vùng cực của Trái Đất cũng ghi nhận nhiệt độ tăng kỷ lục.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Sustainability hôm 23/5 đã đánh giá tác động đối với con người nếu thế giới tiếp tục đi theo quỹ đạo dự kiến và ấm lên 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp.

Tính đến cả sự nóng lên toàn cầu dự kiến và sự gia tăng dân số, nghiên cứu cho thấy, đến năm 2030, khoảng 2 tỷ người sẽ ở bên ngoài vùng khí hậu thích hợp, đối mặt với nhiệt độ trung bình từ 29 độ C trở lên.

Ông Timothy Lenton – Giám đốc Viện Hệ thống Toàn cầu tại Đại học Exeter, đồng thời là 1 trong 2 tác giả chính của nghiên cứu - cho biết, 1/3 dân số toàn cầu có thể thấy mình đang sống trong điều kiện khí hậu không hỗ trợ cho “sự hưng thịnh của loài người”.

“Đó là sự định hình lại sâu sắc về khả năng sinh sống trên bề mặt hành tinh và nó có thể dẫn đến việc tổ chức lại quy mô lớn nơi con người sinh sống” - ông Lenton nói.

Theo kết quả nghiên cứu, mặc dù chưa đến 1% dân số toàn cầu hiện đang tiếp xúc với nhiệt độ nguy hiểm, với mức nhiệt trung bình từ 29 độ C trở lên, nhưng biến đổi khí hậu đã khiến hơn 600 triệu người phải đối mặt với tình trạng khó khăn.

Nghiên cứu cũng cho thấy, nếu Trái đất nóng lên 2,7 độ C, Ấn Độ, Nigeria, Indonesia, Philippines và Pakistan sẽ là 5 quốc gia hàng đầu có dân số tiếp xúc nhiều nhất với mức nhiệt nguy hiểm. Bên cạnh đó, toàn bộ dân số của một số quốc gia như Burkina Faso và Mali, cũng như các hòn đảo nhỏ đang gặp rủi ro do mực nước biển dâng cao, sẽ phải đối mặt với nhiệt độ cao chưa từng có.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu trái đất nóng lên 3,6 độ C hoặc thậm chí 4,4 độ C vào cuối thế kỷ này, một nửa dân số thế giới sẽ nằm ngoài vùng khí hậu thích hợp, đứng trước những “rủi ro hiện hữu”.

Hậu quả khó lường

Theo nhiều kết quả nghiên cứu, tiếp xúc với nhiệt độ trên 40 độ C có thể gây chết người, đặc biệt nếu độ ẩm quá cao, cơ thể không còn khả năng tự làm mát đến nhiệt độ có thể duy trì các chức năng bình thường.

Nhiệt độ cực cao cũng được dự đoán sẽ làm giảm năng suất cây trồng, gia tăng xung đột và lây lan dịch bệnh.

Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng, sự nóng lên vượt quá 1,5 độ C sẽ dẫn đến những thay đổi thảm khốc và có khả năng không thể đảo ngược. Khi các khu vực trong vùng khí hậu bị thu hẹp lại bởi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, một bộ phận dân số cũng sẽ thường xuyên phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, bão, cháy rừng và sóng nhiệt.

Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn thời gian để làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu bằng cách tránh xa việc đốt dầu, than, khí đốt và hướng tới năng lượng sạch, nhưng cánh cửa đang đóng lại.

Giáo sư Lenton cho rằng, mỗi phần nhỏ của một mức độ sẽ tạo ra sự khác biệt. bởi cứ mỗi 0,1 độ C nóng lên trên mức hiện tại, sẽ có thêm khoảng 140 triệu người tiếp xúc với nhiệt độ nguy hiểm.

Đầu tháng 5, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã thông báo rằng, trong vòng 5 năm tới, có 66% khả năng nhiệt độ của hành tinh sẽ ấm hơn 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất 1 năm. “Chúng ta đã để quá muộn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu một cách đúng đắn đến mức hiện tại chúng ta đang ở thời điểm cần phải tăng gấp 5 lần tốc độ giảm phát thải khí nhà kính hoặc quá trình khử cacbon của nền kinh tế toàn cầu để đạt được tốc độ thay đổi mà chúng ta cần” – Giáo sư Lenton nói.

Tuần trước, trong báo cáo Thống kê Y tế thế giới hàng năm, WHO cho biết, tất cả các khía cạnh của sức khỏe đều bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu - từ không khí sạch, nước và đất đến hệ thống thực phẩm và sinh kế. Sự chậm trễ hơn nữa trong việc giải quyết biến đổi khí hậu sẽ làm tăng rủi ro sức khỏe, làm suy yếu hàng thập kỷ cải thiện sức khỏe toàn cầu và trái với các cam kết chung của chúng ta.

Theo WHO, mặc dù đóng góp ít nhất vào lượng khí thải toàn cầu trong lịch sử, nhưng các quốc gia châu Phi, các quốc gia nghèo hơn và các quốc đảo nhỏ phải đối mặt với những hậu quả lớn nhất của biến đổi khí hậu. Sự thay đổi nhiệt độ và lượng mưa cũng đe dọa đẩy các bệnh truyền nhiễm do muỗi, bọ ve và loài gặm nhấm đã giết chết hơn 700.000 người mỗi năm sang các khu vực nghèo.

Bangladesh có số ca tử vong do thời tiết cực đoan cao nhất châu Á

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa công bố báo cáo cho biết Bangladesh ghi nhận số ca tử vong do thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu cao nhất châu Á, với 520.758 ca liên quan 281 đợt thiên tai trong giai đoạn 1970-2021.

Theo báo cáo công bố tại Hội nghị Khí tượng Thế giới khai mạc ngày 24/5 ở Geneva (Thụy Sĩ), châu Á chiếm tới 47% trong tổng số ca tử vong vì thời tiết cực đoan trên toàn cầu, các cơn bão nhiệt đới là nguyên nhân hàng đầu cướp đi sinh mạng của người dân.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, thời tiết, khí hậu cực đoan và các hiện tượng như hạn hán, lũ lụt đã gây ra 11.778 thảm họa trên toàn thế giới kể từ năm 1970-2021, khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng và gây thiệt hại 4.300 tỷ USD.

H.A

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nhiệt độ bị phá vỡ