Khi nông dân trực tiếp tiêu thụ nông sản

ĐOÀN XÁ 10/05/2023 07:00

Thời gian qua, nhiều nông dân ở miền Tây Nam bộ đã tự mang các loại trái cây lên TPHCM bán, bỏ qua nhiều khâu trung gian. Việc bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng giúp nông dân có thêm chi phí trong bối cảnh thị trường tiêu thụ khá bấp bênh.

Nông dân Long An trực tiếp mang dưa lên TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Trong cái nắng nóng như đổ lửa, anh Trần Văn Viễn, 26 tuổi chỉ tay vào đống dưa hấu chất bên đường ở quận Bình Tân (TPHCM) kể, khoảng 2 tuần nay mỗi ngày anh bán được khoảng 2-3 tạ dưa. “Tôi ở Thủ Thừa, Long An nhưng thời gian này, ngày nào cũng chạy xe lên đây bán dưa. Vụ mùa này, gia đình tôi trồng 6 công dưa hấu, chủ yếu là loại không hạt. Mấy năm trước dưa không hạt bán giá cao lắm, tại ruộng cũng có giá 18.000 - 22.000 đồng. Năm nay dưa không hạt giảm chỉ còn 8.000-10.000 đồng/kg. Mà thương lái chỉ mua loại 1 với giá rẻ như vậy. Thấy tiếc nên tôi bàn với vợ chở xe lên đây bán luôn “ – anh Viễn chia sẻ và cho biết thêm, chiếc xe tải nhỏ anh mượn của người em vợ, chỉ phải bỏ chi phí xăng dầu. “Chở dưa lên thành phố bán không qua thương lái, giá cũng được cao hơn. Mấy ngày qua may mắn trời nắng nóng nên dưa bán cũng chạy lắm, có ngày bán gần 4 tạ dưa” - anh Viễn nói. Cũng theo người nông dân này, việc bán dưa trực tiếp cho người tiêu dùng ở TPHCM mạng lại thu nhập cao hơn là qua tay thương lái nhưng vất vả hơn. Ngoài việc dậy từ sớm để di chuyển khoảng 50km lên thành phố, anh Viễn cũng thường xuyên phải đậu xe ở khu vực ven đường nắng nóng để không tốn tiền chi phí thuê mặt bằng.

Thời gian qua, khá nhiều nông dân ở khu vực các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhất là các tỉnh lân cận TPHCM như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… chở nông sản, trái cây trực tiếp lên thành phố để tiêu thụ. So với kiểu bán hàng truyền thống là nông dân sản xuất rồi bán cho thương lái, thương lái bán cho tiểu thương chợ đầu mối trước khi đưa về các chợ nhỏ lẻ, cửa hàng, việc nông dân đưa hàng bán trực tiếp cho người tiêu dùng mang lại lợi nhuận cao hơn.

Theo chia sẻ của chị Đặng Thị Hoa (huyện Châu Thành, Đồng Tháp), nông dân bán xoài ven đường hương lộ 80 (huyện Bình Chánh), gia đình chị có trang trại xoài. Trước bán xoài qua thương lái giá rẻ quá, chị Hoa chở xoài trực tiếp trên thành phố bán 10.000 -15.000 đồng/kg, giá này cao gấp 2 lần giá ở quê.

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, thời gian qua giá một số mặt hàng nông sản trái cây giữa thị trường ở các tỉnh và TPHCM có sự chênh lệch khá lớn, thậm chí giá chênh nhau tới 2-3 lần. Trong đó nhiều loại trái cây có giá thấp tại nơi trồng nhưng đến tay người tiêu dùng lại cao (chủ yếu thương lái, trung gian làm giá).

Chính bởi vậy, nhiều nông dân đã trực tiếp đưa sản phẩm nông sản, trái cây ra TPHCM tiêu thụ mà không qua thương lái. Điều này cũng phần nào mang lại lợi ích cho người tiêu dùng khi vừa được mua trái cây giá rẻ hơn, vừa an tâm về chất lượng. Dù chỉ là kênh tiêu thụ nhỏ lẻ, tự phát nhưng việc bán trực tiếp cho người tiêu dùng giá cao cũng giúp nhiều nông dân có thêm chi phí, tiếp tục duy trì sản xuất và không quá phụ thuộc vào thương lái.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nông dân trực tiếp tiêu thụ nông sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO