2 bộ phim hoạt hình cùng ra rạp trong những ngày đầu hè không chỉ là bước đột phá về mặt sản xuất mà còn cho thấy sự tự tin và tham vọng của các nhà làm phim trong việc cạnh tranh trực tiếp ở rạp chiếu, nơi vốn là “sân chơi” của các siêu phẩm hoạt hình nước ngoài…
Hứa hẹn nhiều hấp dẫn
Đầu tiên phải kể đến phim 3D “Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu” do NSƯT Trịnh Lâm Tùng đạo diễn, dự kiến sẽ ra rạp toàn quốc từ 30/5.
Phim là một hành trình kỳ ảo của nhóm bạn nhỏ làng Khoai – dẫn đầu là Trạng Quỳnh nhí – Trên hành trình minh oan cho cha Quỳnh và các bạn vô tình khám phá ra một bí mật “động trời” của thế lực hắc ám đang âm thầm trỗi dậy gieo rắc tai họa cho nhân gian. Phim lấy cảm hứng sáng tạo từ những truyền thuyết, thần tích trong dân gian và nền tảng văn hoá lâu đời; khai thác yếu tố phiêu lưu – kỳ ảo kết hợp với những bài học sâu sắc về tình bạn, lòng dũng cảm và trách nhiệm.
“Chúng tôi mong muốn mang đến cho các em nhỏ một thế giới giàu trí tưởng tượng nhưng vẫn gần gũi, nơi mà văn hóa Việt không chỉ hiện hữu trong cảnh sắc, phục trang mà còn lan tỏa trong tư duy ứng xử và cốt lõi đạo đức của từng nhân vật. Đồng thời, phim cũng là lời khẳng định: Hoạt hình Việt hoàn toàn có thể kể những câu chuyện hấp dẫn, mang hơi thở thời đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là điều mà chúng tôi luôn tâm niệm là nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của điện ảnh Việt” - đạo diễn, NSƯT Trịnh Lâm Tùng chia sẻ.
Cùng ra rạp trong dịp hè này với “Trạng Quỳnh nhí” là bộ phim hoạt hình 3D “Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội” của đạo diễn Mai Phương. Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học kinh điển “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, bộ phim không chỉ tái hiện những nhân vật quen thuộc như Dế Mèn, Dế Trũi, Tổng Cóc hay Đại vương Ếch Cốm, mà còn mở rộng thành một thế giới hoạt hình hoàn toàn mới, giàu sức sáng tạo.
Trong “Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội”, các loài côn trùng được nhân hóa một cách sinh động, mang theo những đặc điểm tính cách, lối sống và nền văn hóa phản chiếu xã hội đương đại. Đây là một Dế Mèn của thế kỷ 21 – một thế giới đi ra từ trang sách, nhưng lại được đặt trong bối cảnh hiện thực gần gũi, sống động.
Thành phố côn trùng được thiết kế từ các vật dụng quen thuộc như rác thải tái chế, viên bi, kính lúp, dao dĩa…, tất cả được biến hóa thành công trình, biểu tượng và vật dụng độc đáo trong vũ trụ hoạt hình đầy màu sắc.
Không chỉ hướng đến khán giả nhỏ tuổi, bộ phim còn mang tham vọng chạm tới cảm xúc của người xem ở mọi lứa tuổi. Những khán giả từng gắn bó với “Dế Mèn phiêu lưu ký” sẽ nhận ra những gương mặt quen thuộc, nhưng dưới góc nhìn mới mẻ, hiện đại hơn – nơi ký ức tuổi thơ gặp gỡ trí tưởng tượng đậm chất đương đại.
Chuyển mình ngoạn mục
Trước đây, phim hoạt hình Việt thường chỉ dừng lại ở nền tảng truyền hình hoặc online với số lượng cũng như chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như thị hiếu của khán giả, ít khi được đặt đúng vị thế trên màn ảnh rộng.
Vì vậy, việc hai dự án nội địa cùng ra rạp không chỉ cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực bền bỉ của các ê-kíp sản xuất, mà còn chứng minh rằng khán giả Việt ngày càng quan tâm và sẵn sàng ủng hộ hoạt hình nước nhà.
Theo đạo diễn, NSƯT Trịnh Lâm Tùng thì đây cũng là thời điểm để chúng ta xây dựng niềm tin: Từ các cấp quản lý nhà nước, từ nhà đầu tư, từ hệ thống phát hành và cả từ khán giả – rằng hoạt hình Việt có đủ tiềm năng để phát triển thành một ngành công nghiệp thực thụ, không chỉ là “nghệ thuật trong ngăn kéo” hay là “món ăn tinh thần thêm nếm”. Cạnh tranh lành mạnh giữa các tác phẩm cũng sẽ thúc đẩy chất lượng và sự sáng tạo, tạo đà cho các dự án mới.
Nhận định về việc hai bộ phim hoạt hình cùng ra rạp, đạo diễn, NSND Nguyễn Hà Bắc cho rằng, đây không chỉ là bước đột phá về mặt sản xuất mà còn cho thấy sự tự tin và tham vọng của các nhà làm phim trong việc cạnh tranh trực tiếp ở rạp chiếu, nơi vốn dĩ là “sân chơi” của các siêu phẩm hoạt hình nước ngoài như Disney, Pixar hay DreamWorks.
“Khán giả hiện nay, đặc biệt là các bậc phụ huynh và giới trẻ, ngày càng quan tâm đến sản phẩm văn hóa có yếu tố bản sắc dân tộc. Những nhân vật quen thuộc như Trạng Quỳnh, Dế Mèn, khi được kể lại bằng công nghệ hiện đại và hình ảnh sống động, dễ tạo sự gần gũi, đồng thời vẫn mang tính giáo dục và giải trí cao. Điều này giúp phim hoạt hình Việt có cơ hội tạo dựng thị phần riêng” - ông Bắc chia sẻ.
Cũng theo NSND Nguyễn Hà Bắc, với việc ra rạp đồng thời của hai phim hoạt hình 3D Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư và đơn vị phát hành bắt đầu đặt niềm tin vào lĩnh vực hoạt hình nội địa – điều từng được xem là rủi ro cao. Nếu hai bộ phim này đạt kết quả khả quan về doanh thu và truyền thông, sẽ là bệ phóng tốt cho các dự án tiếp theo, mở ra chu kỳ phát triển bền vững hơn cho ngành.
Để phim hoạt hình bứt phá
Phim hoạt hình không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật, mà còn là sự kết hợp giữa sáng tạo thẩm mỹ và ứng dụng công nghệ hiện đại. Bên cạnh nguồn nhân lực chất lượng, việc đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật là yếu tố then chốt, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với các nhà sản xuất trong nước.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Hà Bắc cho rằng, việc hai bộ phim hoạt hình Việt cùng ra rạp không chỉ là một sự kiện đáng chú ý mà còn là cột mốc đáng nhớ, phản ánh sự trưởng thành từng bước của hoạt hình nội địa – từ kỹ thuật, nội dung đến chiến lược phát hành. Nếu được khán giả đón nhận tích cực, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng để hoạt hình Việt Nam dần khẳng định vị trí vững chắc hơn trên bản đồ điện ảnh.
Cũng theo ông Bắc, để phim hoạt hình Việt Nam có thể bứt phá phát triển mạnh mẽ và bền vững, cả giới làm phim và các cơ quan quản lý, chính sách cần phối hợp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, lâu dài. Trong đó, cần khai thác sâu các chất liệu văn hóa Việt như truyền thuyết, cổ tích, văn học dân gian…nhưng kể lại theo cách mới mẻ, hiện đại, gần gũi với khán giả trẻ. Nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ Đầu tư bài bản hơn vào kỹ thuật 3D, thiết kế nhân vật, chuyển động, âm thanh, hiệu ứng… để nâng chất lượng phim.
“Phim hoạt hình Việt Nam muốn bứt phá không thể chỉ trông chờ vào một vài tác phẩm đơn lẻ, mà cần cả một chiến lược phát triển ngành công nghiệp nội dung số tổng thể, nơi nhà làm phim là hạt nhân sáng tạo, còn chính sách là bệ đỡ” – ông Bắc nhấn mạnh.
“Chúng ta cần những studio mạnh, đủ sức “ươm mầm” những dự án lớn, và cũng cần một hệ sinh thái hỗ trợ như quỹ phim, chính sách ưu đãi, sự đồng hành của các nền tảng phát hành. Ngoài ra, cần xây dựng kịch bản chất lượng, giàu tính văn hóa, không chỉ để phục vụ thị trường nội địa mà còn có khả năng tiếp cận quốc tế” - NSƯT Trịnh Lâm Tùng.