Những diễn biến sôi sục của quá trình hội nhập, sự thâm nhập ngày càng nhiều của hàng hóa ngoại đang trở thành “mối nguy” đe dọa đến lợi ích sát sườn của các DN Việt Nam, do đó DN của chúng ta đã quan tâm hơn, nỗ lực tìm kiếm thông tin hơn để có thể chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại làm lá chắn bảo vệ chính mình.
Ông Nguyễn Văn Sưa.
Nhiều năm qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thường xuyên phải đối diện với những rào chắn thương mại. Tuy nhiên, DN Việt Nam lại chưa tận dụng được những lợi thế mà các công cụ phòng vệ thương mại đem lại. Gần đây nhất, sự vụ 4 DN thép của Việt Nam lên tiếng kiện và đã giành phần thắng trước thép ngoại nhập giá rẻ một lần nữa khẳng định: Xu thế hội nhập buộc các DN Việt phải thích nghi và chủ động lên tiếng bảo vệ quyền lợi sát sườn. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.'
PV: Bộ Công thương vừa có quyết định áp thuế đối với hai sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu, sự kiện này cho thấy các DN nội đã biết đứng lên bảo vệ lợi ích của chính mình trước sự xâm nhập ồ ạt của hàng ngoại giá rẻ. Ông có thể bình luận đôi chút về sự kiện này?
Ông Nguyễn Văn Sưa: Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, hàng hóa các nước khác xuất khẩu sang Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn, đa dạng hơn, và tương tự, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước khác trên thế giới cũng dễ dàng hơn vì phần lớn các dòng thuế quan đều về 0%.
Trong pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ của WTO, các nước được phép sử dụng công cụ phòng vệ thương mại như biện pháp chống trợ cấp, chống bán phá giá… để bảo vệ sản xuất trong nước. Và khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), các hàng rào kỹ thuật sẽ được các nước sử dụng mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ lợi ích cho DN của họ. Do đó, không chỉ ngành công nghiệp thép mà nhiều ngành công nghiệp khác của Việt Nam cũng đều sẽ gặp khó khăn do các tiêu chuẩn đòi hỏi cao hơn ở nước ngoài.
Các vụ kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp thời gian qua ngày càng tăng lên, đã ảnh hưởng rất lớn tới các DN sản xuất thép khi xuất khẩu thép ra nước ngoài. Đơn cử như vụ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam tại Úc, hay điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội hợp kim và không hợp kim của Việt Nam tại Malaysia và các sản phẩm thủy sản khác…
Những vụ điều tra đó đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của các DN sản xuất thép Việt Nam. Đặc biệt, Hoa Kỳ là nước sử dụng nhiều nhất các công cụ này để ngăn cản hàng hóa của chúng ta vào nước họ. Chúng ta đã được chứng kiến tôm, cá tra… của Việt Nam liên tục bị khởi kiện tại Hoa Kỳ.
Các nước đã sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhiều và liên tục như vậy, tại sao chúng ta lại không thể trong khi ngành thép của chúng ta đang lao đao vì thép nhập khẩu giá rẻ?
Bởi vậy, tôi cho rằng, quyết định về áp thuế đối với hai mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu của Bộ Công thương mới đây là rất hợp lý, giúp các DN trong nước yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh khi không phải cạnh tranh thiếu lành mạnh với những sản phẩm nhập ngoại giá rẻ tràn lan. Điều này cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với một ngành công nghiệp còn non trẻ như ngành thép.
Mặc dù vậy, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại, việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận các DN nhỏ và vừa, ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
- Chúng tôi rất chia sẻ với một số DN nhỏ và vừa đang phải nhập phôi thép và thép dài vì Bộ Công thương đã quyết định áp thuế vào hai sản phẩm nhập khẩu này. Chắc chắn áp lực về thuế sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DN nhỏ và vừa nếu họ phải nhập khẩu nhiều sản phẩm loại này vào để sản xuất.
Tuy nhiên, vì lợi ích lâu dài của toàn ngành, việc áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thép nói trên là rất cần thiết, vì thời gian qua DN thép đã phải cạnh tranh vô cùng gay gắt, khốc liệt với thép giá rẻ được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nếu thực trạng này vẫn tiếp diễn, có thể ngành thép nội địa sẽ bị thua trên sân nhà, nhiều DN thép sẽ phải ngưng sản xuất, thậm chí phá sản. Do đó, việc các DN thép đã sử dụng công cụ phòng vệ để tự vệ, cũng như nhà quản lý có quyết định áp thuế cho thép nhập khẩu, cho thấy, các DN của chúng ta đang ngày một thích nghi hơn với quá trình hội nhập, đã nỗ lực trong việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của chính mình.
Về lâu dài, việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại là xu hướng tất yếu của không chỉ đối với DN ngành thép mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các DN thuộc các lĩnh vực kinh tế khác nữa.
Như vậy, công cụ phòng vệ thương mại là một trong những “tấm lá chắn” quan trọng, thậm chí mang tính chất quyết định sự “sống - còn” của các DN. Tuy nhiên, các DN Việt Nam dường như rất thụ động trong việc tìm hiểu thông tin, thậm chí thờ ơ với các công cụ này. Ông có nghĩ như vậy không, thưa ông?
- Đó là trước đây thôi. Tôi thừa nhận, thời gian trước, không chỉ các DN ngành thép mà hầu hết các DN trong nước đều ít quan tâm cũng như tìm hiểu thông tin về các công cụ phòng vệ thương mại, các DN thậm chí thờ ơ đến việc sử dụng những công cụ này để có thể khởi kiện khi thấy quyền lợi của mình bị xâm nhập. Một phần vì họ thiếu thông tin, mặt khác họ cũng không chủ động để tìm hiểu các thông tin liên quan đến vấn đề này. Song, thực tế hiện nay đã khác.
Những diễn biến sôi sục của quá trình hội nhập, sự thâm nhập ngày càng nhiều của hàng hóa ngoại đang trở thành “mối nguy” đe dọa đến lợi ích sát sườn của các DN Việt Nam, do đó DN của chúng ta đã quan tâm hơn, nỗ lực tìm kiếm thông tin hơn để có thể chủ động sử dụng công cụ này làm lá chắn bảo vệ chính mình.
Tuy nhiên, để có một nền sản xuất ổn định và phát triển theo kịp với xu thế hội nhập, các DN thép nói riêng, cộng đồng DN Việt nói chung cần phải nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh bằng cách đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ sản xuất để có thể giảm giá thành, bên cạnh đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ để có thể thu hút được nhiều đối tác, khách hàng hơn.
Chỉ khi chúng ta làm được điều đó, chúng ta mới có thể cạnh tranh được với những sản phẩm cùng chủng loại đang có nhiều cơ hội tràn vào thị trường trong nước thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), tính từ thời điểm năm 2004 đến nay, các DN Việt Nam đã phải đối diện với 100 vụ kiện phòng vệ thương mại từ phía các nước nhập khẩu. Trong khi đó, ở Việt Nam mới có 1 vụ điều tra chống bán phá giá và 3 vụ tự vệ. Rõ ràng các thị trường nước ngoài đã sử dụng rất mạnh mẽ công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ các DN của họ. Còn Việt Nam thì rất hãn hữu!