Không chỉ giới âm nhạc tỏ ra thích ứng và nhập cuộc nhanh với hình thực trực tuyến (online), mà các nghệ sĩ sân khấu kịch truyền hình cũng đã dịch chuyển để phục vụ khán thính giả trong khi ở nhà thực hiện giãn cách xã hội.
1. Sân khấu có đặc thù riêng, không thể “gọn nhẹ” như giới ca sĩ để có thể thích ứng ngay, hoặc thậm chí hát mộc với cây ghi ta và livestream trên facebook. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà các nghệ sĩ sân khấu chịu “ngồi yên”, bởi dịch dã ngày càng đẩy con người cách xa nhau. Và nghệ thuật, giống như cây cầu, kết nối nền văn hóa này với nền văn hóa khác, kết nối vùng này với vùng khác, miền này với miền khác…
Chính vì thế, nếu nhìn đây là một cơ hội của giới sân khấu thì cũng đúng. Bởi thời điểm này, khi hàng chục tỉnh, thành trên cả nước thực hiện giãn cách, ai ở yên trong nhà người ấy, thì các nghệ sĩ sân khấu có thể đưa những vở kịch của mình đến với từng gia đình, qua đó góp phần nối lại tình yêu với sân khấu truyền thống.
Mới đây, nhiều văn nghệ sĩ tại TP HCM đã nỗ lực tìm kiếm hình thức thể hiện mới, xây dựng các chương trình sân khấu truyền hình đặc sắc, mới mẻ nhằm phục vụ nhu cầu của khán giả. Với khẩu hiệu “Ở nhà xem kịch, né Covid-19”, một loạt vở kịch xã hội đã lần lượt được phát sóng trên các kênh HTV7, HTV9 của Đài Truyền hình TP HCM.
Trong đó, hai chuyên đề kịch thu hút người xem hiện nay là “Siêu thị cười” và “Chuyện bốn mùa” đã mang lại những thông điệp bổ ích, có giá trị và tính thời sự rõ rệt. Nếu “Siêu thị cười” với thời lượng 30 phút/tập dùng hình thức hài kịch để châm biếm thói hư, tật xấu từ đầu làng đến cuối xóm, với 60 phút của mỗi tập trong tiểu phẩm có tên “Chuyện bốn mùa” lại mang đến một chút bi, một chút hài, gửi đến khán giả thông điệp hãy biết quan tâm và chia sẻ tới mọi người xung quanh.
Cùng với đó, các vở diễn “Ngày về”, “Nhà tôi ba đời”, “Xem bói online”, “Cha nuôi con nuôi”, “Làm mẹ trên mạng”, “Nhậu sinh thái”, “Nước đục thả câu”, “Hoa phong ba”, “Người giúp việc”, “Tứ đại đồng đường”, “Nhà phải có nóc”, “Bữa cơm thời hiện đại”, “Quan mùi may áo”, “Phép tính trong tình yêu”, “Khu phố 4G”… đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, khiến nhiều người cảm thấy thích thú khi ngồi trước màn hình.
2. Bên cạnh hai chương trình sân khấu “Siêu thị cười” và “Chuyện bốn mùa”, Đài Truyền hình TPHCM dồn lực đầu tư dàn dựng các vở kịch ngắn có tên “Hài kịch 5 phút”. Mặc dù mỗi tiểu phẩm chỉ có thời lượng 5 phút nhưng ê-kíp thực hiện đã vận dụng sự quan sát cuộc sống để xâu chuỗi và cô đọng nhiều thông tin được cộng đồng mạng quan tâm, qua đó dùng tiếng cười để châm biếm, phê phán thói hư, tật xấu của một bộ phận người dân trong dịch Covid-19.
Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết, dự án “Hài kịch 5 phút” gồm 20 câu chuyện với nội dung mang ý nghĩa tuyên truyền cho người dân về ý thức phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Những câu chuyện trong vở kịch phần lớn mang tính xây dựng nhẹ nhàng, đáp ứng được tính giải trí, đồng thời động viên người dân đồng lòng, lạc quan, vượt qua dịch bệnh.
Sắp tới, “Hài kịch 5 phút” sẽ lên sóng Đài Truyền hình TP HCM vào khung giờ 20 giờ 50 phút trên HTV9 và phát lại trên HTV7 vào sáng hôm sau.
Theo đạo diễn Nguyễn Minh Hải, Trưởng Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình TP HCM, đơn vị đang xây dựng các ê-kíp tác giả, đạo diễn, diễn viên lần lượt tham gia sáng tạo tác phẩm, đảm bảo nội dung luôn mới mẻ, cập nhật tình hình đời sống xã hội hiện đại, phản ánh cuộc sống và con người thời nay.
Bên cạnh một số tác giả kịch bản tên tuổi, các cây bút trẻ có tiềm năng cũng được nhà đài khai thác để làm đa dạng nguồn kịch bản và dễ dàng tiếp cận khán giả. Hiện trong dàn đạo diễn đang hoạt động tích cực có những gương mặt nổi bật như đạo diễn Hoàng Duẩn, Thu Hồng, Thái Kim Tùng, Quốc Thịnh… Cùng với đó, là sự tham gia của các đạo diễn điện ảnh trẻ đã giúp sân khấu truyền hình thêm nhiều sắc màu tươi tắn.
Ở góc độ cố vấn chuyên môn, NSND Trần Minh Ngọc cho rằng, chính những khó khăn hiện nay là cơ hội để các đạo diễn, văn nghệ sĩ có thể chủ động thay đổi cách thức làm kịch truyền hình, làm mới các hình thức thể hiện, xây dựng cung cách làm kịch truyền hình lâu dài. Ngoài ra, cũng cần tạo mọi điều kiện để nghệ sĩ nhiều thế hệ, nhiều lĩnh vực được cống hiến cho nghề, không chỉ ở kịch mà hát bội, cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ, xiếc, ảo thuật, múa rối, múa dân gian, múa hiện đại...
Phát sóng 28 vở diễn, chương trình nghệ thuật chất lượng cao
Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, để cổ vũ tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19, 28 chương trình, vở diễn chất lượng cao của các đơn vị nghệ thuật uy tín đã được chọn để phát sóng trên nhiều kênh truyền hình đến cuối tháng 9. Trong đó, vở cải lương “Bão ngầm” ngợi ca lực lượng Cảnh sát phòng, chống ma túy dự kiến được phát sóng trên Đài Truyền hình VOV vào ngày 20/8.
Phát trên Đài Truyền hình Việt Nam có chương trình “Sắc màu thổ cẩm” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc; “Những người khốn khổ - Những điều muốn nói” và “Hồ Thiên Nga - Sau cánh màn nhung” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; trích đoạn các vở “Mac-bet”, “Vũ Như Tô”, “Otello”, “Lôi vũ”, “Ê Dốp”, “Mê đê” của Nhà hát Kịch Việt Nam; vở “Trung thần” của Nhà hát Tuồng Việt Nam; tác phẩm “Dây tràng hạt diệu kỳ”, “Giai điệu Tổ quốc” Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.
Trên Truyền hình Nhân dân có chương trình “Đêm huyền diệu” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc; “Ngôi sao xiếc Việt”, “Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam; chương trình “Giai điệu Việt Nam” và “Bài ca không quên” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam; Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam có “Xin mặt trời ngủ yên” và “Dòng sông hoa đỏ”. Trên Truyền hình Hải Phòng cũng phát “Cuộc chiến vô cực”, “Thanh xuân 21” của Nhà hát Tuổi trẻ và “Múa rối nước truyền thống”, “Đồng vọng” của Nhà hát Múa rối Việt Nam.
Hà Trang