Tính đến tháng 10/2018, huyện Ðức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); huyện đạt 9/9 tiêu chí và hoàn thành nhiều tiêu chí nổi bật đạt ở mức cao. Ðức Trọng đã về đích NTM.
Trồng cà chua trong nhà kính của người dân xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Lamdong Online.
Như vậy, tới nay Đa Quyn - xã vùng sâu, khó khăn nhất của huyện Đức Trọng cũng là xã cuối cùng của huyện đạt chuẩn NTM. 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa (gần 11 km); gần 91% đường trục thôn, bản và liên thôn được cứng hóa (gần 30 km); 81,2% đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động; hơn 70% trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa - thể thao cộng đồng; 89,7% học sinh tốt nghiệp THCS...
Đáng chú ý, với tất cả các xã đạt tiêu chí NTM của huyện Đức Trọng, thì 100% các hộ dân đời sống được cải thiện. Điều này có được chính là do trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh, huyện đã chủ trương cơ cấu lại sản xuất. Hiện cơ cấu kinh tế của huyện là: Ngành nông - lâm - thủy sản chiếm tỉ lệ 34,0%; ngành công nghiệp xây dựng chiếm tỉ lệ 33,7%; ngành dịch vụ chiếm tỉ lệ 32,3%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khá ổn định, bình quân đạt 9 - 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 ước đạt 67 triệu đồng.
Qua các năm triển khai chương trình xây dựng NTM, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến mô hình ghép cải tạo cà phê của hộ ông Trần Ngọc Nam (thôn Nam Loan, xã Ninh Loan), là một trong những người đi tiên phong trong chương trình chuyển đổi, cải tạo giống cà phê bằng phương pháp ghép chồi. Vườn cà phê của ông sau khi ghép ngoài việc cho thu hoạch cao gấp 1,5 đến 2 lần so với cây thực sinh, còn có khả năng kháng bệnh cao, không còn bị nhiễm bệnh rỉ sắt, nấm hồng nên năng suất cao. Hoặc, hộ ông Nguyễn Công Khanh (thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh) đã đầu tư 5 trại gà mô hình khép kín theo công nghệ cao với tổng kinh phí 5 tỷ đồng, giải quyết cho 30 lao động tại chỗ. Sau khi trừ chi phí, ông Khanh thu nhập mỗi tháng khoảng 400 triệu đồng.
Đích đến cuối cùng cảu xây dựng NTM là đời sống vật chất của người dân khá lên, không còn hộ nghèo, xuất hiện ngày càng nhiều hơn hộ khá giả. Cùng đó là cơ sở hạ tầng của xã được bảo đảm, với hệ thống điện - đường - trường - trạm đầy đủ. Xây dựng NTM cũng là đem lại cho bà con đời sống tinh thần phong phú, tình làng nghĩa xóm đầy đặn, bà con thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau thoát nghèo và vươn lên khá giả. Nếu không, việc xây dựng NTM cũng chỉ có tính phong trào, bề nổi, không thực chất.
Nói điều đó là do thực tế những năm qua, khi tiến hành xây dựng NTM, không ít nơi do bệnh thành tích, chạy đua theo phong trào nên đã huy động sức dân quá mức, với nhiều khoản đóng góp quá sức người dân. Món nợ xây dựng NTM đối với nhiều xã không biết tìm đâu ra nguồn trang trải, lại phải tiếp tục “huy động” sức dân, khiến sau khi được công nhận NTM thì đời sống người dân không khá lên mà lại khó khăn hơn.
Trở lại với huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), NTM ở đây được làm rất thực chất, đó là hướng tới nâng cao đời sống của bà con. Chính quyền đứng ra vận động, tổ chức, tạo ra sự đồng thuận của người dân; xây dựng những mô hình làm ăn giỏi để từ đó nhân rộng ra cộng đồng. Chỉ có đi vào thực chất với đích đến rất cụ thể, thiết thực là đời sống của người dân thì khi đó những địa phương khó khăn mới thoát nghèo bền vững, NTM mới đem đến niềm vui cho mỗi người, mỗi nhà.