Ngày 23/6, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức phiên họp lần thứ nhất (họp kín) với sự tham gia của 15 thành viên bàn về phương hướng tiền lương tối thiểu năm 2021 và một số dự kiến hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Như thông lệ vào cuối tháng 6, Hội đồng Tiền lương quốc gia tiến hành họp để bàn về phương án tiền lương tối thiểu cho năm sau. Chính vì vậy những phiên họp của Hội đồng luôn thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, người lao động. Năm nay do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, vấn đề tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 càng nóng hơn bao giờ hết.
Được biết tại phiên họp lần thứ nhất, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất 2 phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Cụ thể phương án 1: Khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021). Phương án 2, từ ngày 1/7/2021 (lùi 6 tháng so với thông lệ các năm trước), điều chỉnh bình quân 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động (tính trên cơ sở CPI năm 2021 dự kiến 4% trừ phần đã tăng vượt 1,51% của năm 2020).
Trước đó trao đổi với báo chí về quan điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2021, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc duy trì việc làm ổn định với mức tăng lương tối thiểu vùng của năm 2020 là 5,5% đã là việc rất khó khăn với doanh nghiệp. Cũng theo ông Phòng, dù Nhà nước đã có nhiều gói hỗ trợ, chính sách về giãn thuế, BHXH kịp thời, nhưng số doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công không ngừng gia tăng. Điều này cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp rất khó có thể trụ được nếu tăng lương. Do vậy việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 cần phải có tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo khảo sát của VCCI, 82% doanh nghiệp cho rằng, doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, và có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể sụt giảm doanh thu tới 30 - 50% và 22% doanh nghiệp sẽ sụt giảm trên 50%.
Hiện mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 đã ở mức 5,5% so với năm 2019, tức là tăng từ 150.000-240.000 đồng/người/tháng, tuỳ thuộc 4 vùng lương trong cả nước. Đây cũng là căn cứ để Chính phủ xem xét và ban hành Nghị định số 90/2019/NĐ-CP về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, lương tối thiểu vùng năm 2020, như sau: Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.