TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, chúng ta phải trả lại không gian cho nước, dành không gian cho nước, tình trạng nâng bên này, ngập bên kia đang là một thực tế ở các đô thị. Mặt trái của hệ thống đê bao khép kín, công trình giao thông đã thành vật cản làm thay đổi cơ chế dòng chảy các con sông, tạo ra hiện tượng thất thường của thủy văn.
Đô thị bị đe dọa bởi triều cường.
Không thể kiểm soát
Với người dân ở TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, trận ngập ngày 10/10 vừa qua may là không có mưa, nếu có trận mưa lớn thì mực nước sẽ dâng cao hơn rất nhiều, hậu quả sẽ khôn lường. PGS. TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: Đỉnh lũ 2,23m ghi nhận vào ngày 10/10 là mực nước cao lịch sử trong vòng 40 năm qua xảy ra ở TP Cần Thơ. Nếu so sánh xa hơn nữa thì đây là mực nước cao bất thường trong lịch sử đo đạc.
Trước đây, khi lũ về đến ĐBSCL, nước được trữ ở hai túi nước chính là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Vào mùa khô, lượng nước này sẽ thoát dần về phía hạ lưu, góp phần giảm bớt tình trạng xâm nhập mặn. Tuy nhiên, trong hai thập niên vừa qua, rất nhiều đê bao đã hình thành ở hai vùng trữ lũ nói trên để phục vụ cho sản xuất lúa 3 vụ. Vì vậy nước lũ không còn chỗ chứa nên phải chảy sang những khu vực khác và đổ về phía hạ lưu, nơi có các đô thị như Cần Thơ, Vĩnh Long.
Lãnh đạo TP Cần Thơ nhận định, thành phố phải đợi đến năm 2021, khi “Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắt là Dự án 3)” hoàn thành, thì vấn đề ngập của Cần Thơ mới mong kiểm soát được.
Đợt triều cường vừa qua, nhiều hộ dân sống bên sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long bị thiệt hại nặng nề về hoa màu và trái cây. Theo thống kê của ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hoà, TX Bình Minh, toàn ấp có khoảng 10 hộ với khoảng 10.000m2 trồng bưởi bị chết hoàn toàn không cứu được do nước ngập làm thối rễ. Đợt triều cường vừa qua đã làm cho khoảng 300 công đất trồng bưởi Năm Roi của 22 hộ dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các nhà khoa học vùng ĐBSCL nhận định về nguyên nhân khiến ngập lụt ở vùng ĐBSCL ngày càng nặng nề như: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở, sụt lún đất, tác động tiêu cực từ vấn đề nước xuyên biên giới của sông Mekong và vấn đề nội tại trong phát triển thiếu bền vững của vùng này những năm qua. TS Trần Hữu Hiệp cho rằng chúng ta phải trả lại không gian cho nước, “dành không gian cho nước”, tình trạng nâng bên này, ngập biên kia đang hiện hữu ở các đô thị. Mặt trái của hệ thống đê bao khép kín, công trình giao thông đã thành vật cản làm thay đổi cơ chế dòng chảy các con sông, tạo ra hiện tượng thất thường của thủy văn.
Giải pháp nào chống ngập lụt?
Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ đã xác định tư duy đột phá. Đó là tư duy thích ứng thuận theo tự nhiên và quy hoạch không gian tích hợp. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, bố trí dân cư, tổ chức sản xuất đều phải đặt trong bối cảnh tổng thể, phải tính đến những mục tiêu ứng phó dài hạn, nhưng cũng không quên những mục tiêu trước mắt là người dân phải sống, con em phải đi học, tạo sinh kế cho người dân trong an toàn.
Chống ngập cần những giải pháp công trình, kỹ thuật, việc kiểm soát lũ, triều cường bằng hệ thống đê, cống đồng bộ, trạm bơm, hệ thống thoát nước... Nhưng quan trọng hơn vẫn là các giải pháp phi công trình, tư duy theo cách tiếp cận vùng, không cục bộ địa phương, tránh xung đột lợi ích, đô thị gắn với nông thôn. Việc chống ngập tại các đô thị không chỉ là chuyện quanh quẩn ở đô thị, là việc của các thành phố, mà cần có cách tiếp cận vùng, vừa là chuyện thiết thân hàng ngày của người dân, vừa là chuyện quốc gia đại sự và toàn cầu.
Vẫn theo TS Trần Hữu Hiệp rõ ràng, chống ngập rất cần những giải pháp công trình, kỹ thuật. Nhưng quan trọng hơn vẫn là cái gốc tư duy, theo cách tiếp cận vùng, không cục bộ địa phương, tránh xung đột lợi ích, đô thị gắn với nông thôn. Tư duy quy hoạch tích hợp theo không gian vùng, tiểu vùng và liên kết đòi hỏi phải thực thi mệnh lệnh liên kết vùng. Mạnh ai nấy làm, địa phương nào biết địa phương đó, ngành nào biết ngành đó không còn phù hợp trước tính khí thất thường của thời tiết…