Xây dựng thương hiệu đã khó, giữ được nó còn khó gấp ngàn lần. Nhiều DN Việt đã ở tình thế như vậy, trầy trật hàng chục năm mới xây dựng được thương hiệu riêng cho mình nhưng chỉ vì một sơ suất, chủ quan, hay vì lợi nhuận trước mắt, thương hiệu của DN đó đã bị sụp đổ.
Cửa hàng Khai Silk 113 Hàng Gai. (Nguồn: 24h).
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các DN Việt Nam đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng thương hiệu. Bởi, ai cũng hiểu rằng muốn phát triển bền vững và ổn định, các DN buộc phải xây dựng thương hiệu một cách bài bản. Tuy nhiên, không nhiều DN thực hiện việc xây dựng thương hiệu một cách chuyên nghiệp.
Thậm chí, có những DN đã xây dựng được thương hiệu rồi, mặc dù tốn rất nhiều thời gian và công sức mới tạo được thương hiệu đó, song chỉ vì sơ suất, chủ quan, thậm chí cả vì lòng tham mà nhiều DN đã bị đổ vỡ thương hiệu một cách dễ dàng.
Câu chuyện của DN tư nhân Khai Silk ồn ào dư luận những ngày này là một ví dụ điển hình của việc DN không biết trân trọng thương hiệu mà họ đã nỗ lực xây dựng. Mặc dù ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk đã chính thức lên tiếng thừa nhận bán khăn lụa tơ tằm xuất xứ “made in China” và xin lỗi người tiêu dùng, song có một điều chắc chắn ông Khải sẽ không bao giờ lấy lại được, đó chính là niềm tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu Khaisilk.
Thực tế thì để tạo dựng được thương hiệu là vô cùng khó khăn. Nhưng lạ thay có người vẫn cho rằng đó là một thứ “có cũng được, không có cũng chẳng sao”. Nói về vấn đề này, ông Lê Ngọc Lâm- phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, có những DN chỉ vì thờ ơ với việc bảo vệ thương hiệu mà đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí, thời gian, công sức, tìm mọi cách để lấy lại thương hiệu đã mất. “Khi mất đi rồi mới tiếc, hối hận và lại phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức tiền của để giành lại thương hiệu cho mình. Có DN may mắn tìm lại được, có DN thì chịu mất trắng, nhưng cuối cùng “được vạ thì má đã sưng”- ông Lâm chia sẻ.
Hẳn nhiều người vẫn chưa quên những thương hiệu như Cà phê Buôn Mê Thuột, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc… hay nhiều thương hiệu khác nữa, do không chú trọng trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ đã đành phải chịu bao nhiêu phí tổn hòng “tìm lại tên” cho mình.
Thêm một lần cảnh báo cũng không thừa, đó là nếu DN vẫn làm ăn kiểu manh mún, tư duy “ăn xổi”, không quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, giữ gìn chữ tín, không sớm thì muộn sẽ bị trượt ngã trên thương trường.