Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội

PV 17/04/2017 09:05

Đó là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết KH&CN 2016 ngày 4/1. Thông điệp này một lần nữa được nhắc lại tại hội nghị “Giám đốc Sở KH&CN” tổ chức ngày 15/4 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định Bộ sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng các địa phương để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, đồng thời khai thác thế mạnh của từng địa phương trong hoạt động KH&CN nhằm thúc đẩy hoạt động này mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Ảnh minh họa: Nguồn Viettimes.vn.

Nói về đóng góp của KH&CN đối với sự phát triển của các địa phương, Thứ trưởng Phạm Công Tạc thẳng thắn thừa nhận bên cạnh những đóng góp rõ nét như xuất khẩu thủy sản, cà phê, cacao, hồ tiêu… sản lượng của Việt Nam đã đứng ở top 5, top 10 của thế giới, tuy nhiên, giá trị thực đều ở hạng thấp.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc đề nghị các lãnh đạo Sở KH&CN cần nhìn nhận rõ vai trò của KH&CN và tìm cách để KH&CN tác động rõ nét nhằm nâng cao năng suất chất lượng, giá xuất khẩu, hàm lượng chất xám... thông qua các sản phẩm xuất khẩu.

Để làm được điều này, những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách được lãnh đạo các Sở KH&CN kiến nghị, Bộ KH&CN sẽ báo cáo Chính phủ để có hướng điều chỉnh.

Cụ thể, tại hội nghị, lãnh đạo các Sở KH&CN địa phương đã đưa ra nhiều ý kiến đề xuất thuộc lĩnh vực tổ chức và cán bộ KH&CN, tập trung vào các vấn đề: rà soát để sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15/10/2014; sớm ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ “Quy định chế độ tự chủ của tổ chức KH&CN công lập” để có căn cứ triển khai; bổ sung, chỉnh sửa Thông tư liên tịch số 121/2014/TTLT-BTC-BKH&CN.

Nhiều ý kiến đại biểu cũng đề xuất Bộ KH&CN cần sớm có những điều chỉnh, sửa đổi về hoạt động Quỹ Phát triển KH&CN địa phương; Vướng mắc trong cổ phần hóa các Trung tâm ứng dụng; Chương trình năng suất chất lượng…

Trong lĩnh vực đầu tư tăng cường tiềm lực, các ý kiến tại hội tập trung thảo luận những nội dung: Xây dựng bộ tiêu chí và có hướng dẫn để phân bổ kinh phí đầu tư phát triển KH&CN, trong đó xác định cụ thể lĩnh vực KH&CN, đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí đầu tư phát triển KH&CN đúng và hiệu quả.

Ngoài ra, các lĩnh vực nghiên cứu KH&CN phát triển công nghệ, ứng dụng kết quả và chuyển giao công nghệ, Sở hữu trí tuệ, Tiêu chuẩn – đo lường và chất lượng, Qũy Phát triển KH&CN Quốc gia… cũng được các địa phương kiến nghị đến lãnh đạo Bộ KH&CN.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình để trình xem xét sửa đổi các luật có liên quan đến KH&CN do Bộ chủ trì. Bên cạnh đó, chú trọng việc tham gia đóng góp ý kiến đối với các luật khác có nội dung tác động đến hoạt động KH&CN để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống luật. Chủ động trình Chính phủ xem xét, sửa đổi các văn bản luật liên quan đến KH&CN đang còn bất cập.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH&CN địa phương trong thời gian tới, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, nhất là trong phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng các nhiệm vụ KH&CN liên kết giữa các địa phương để cùng phát triển các sản phẩm có thế mạnh, chủ lực của Vùng theo chuỗi giá trị.

Ưu tiên những nhiệm vụ có tính chất liên tỉnh, liên vùng, liên ngành; sát cánh hơn cùng với doanh nghiệp tạo lập liên kết 4 nhà “nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông”.

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai.

Nâng cao năng lực đánh giá, định giá tài sản trí tuệ và góp vốn doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ; Tăng cường quản lý nhà nước, tập trung xây dựng và tổ chức triển khai chương trình, đề án trong hoạt động đo lường, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác xã hội hóa cho hoạt động nghiên cứu.

Chú trọng đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm dịch vụ hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Bộ KH&CN sẽ luôn luôn đồng hành, sát cánh cùng các địa phương để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, đồng thời khai thác thế mạnh của từng đề địa phương trong hoạt động KH&CN nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO