Cứ bốn trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị thấp còi và suy dinh dưỡng. Mỗi 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn tồn tại, có thể gây thiệt hại khoảng hơn 20 triệu USD một năm.
Theo dõi sức khoẻ, tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em. Ảnh: TTXVN.
Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như: Tỷ lệ thấp còi suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam vẫn còn cao (khoảng 23,8%), tỷ lệ nhẹ cân chiếm 13,8% (2017).
Điều đó có nghĩa, cứ bốn trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị thấp còi và suy dinh dưỡng. Mỗi 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn tồn tại, có thể gây thiệt hại khoảng hơn 20 triệu USD một năm.
Phó giáo sư Trần Văn Cường - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại buổi lễ ra mắt sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ Koko Crown (Hàn Quốc) tổ chức tại Hà Nội.
Phó giáo sư Cường dẫn chứng, trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2011-2020 tầm nhìn 2030, các vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em được đưa vào 1 trong 6 mục tiêu quan trọng.
Theo Báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững (suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30% năm 2.000 xuống còn 14% năm 2015 và năm 2016 tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%).
Phó giáo sư Trần Văn Cường - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Vietnam+.
Theo Phó giáo sư Cường, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, 1.000 ngày đầu tiên kể từ khi bắt đầu mang thai của người mẹ đến sinh nhật lần thứ hai của trẻ em là một cơ hội vàng để ngăn ngừa tình trạng và hậu quả của thiếu dinh dưỡng. Mặc dù sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng và kháng thể, các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối phù hợp với sự tiêu hóa và hấp thu của trẻ nhỏ, nhưng thực tế có nhiều bà mẹ không có sữa hoặc ít sữa khiến cho việc nuôi dưỡng trẻ gặp nhiều khó khăn.
“Vì vậy, các bậc cha mẹ cần trang bị kiến thức, các doanh nghiệp, nhà phân phối cần đề cao đạo đức kinh doanh, sự trung thực, trách nhiệm; các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh kiểm tra sát sao để những sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ chất lượng thực sự đến được tay người tiêu dùng,” Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho hay.