Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028, kể từ số báo này, Báo Đại Đoàn Kết mở chuyên mục Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028, với mong muốn chia sẻ tới bạn đọc những đóng góp của đồng bào Công giáo nói chung và các vị chức sắc, chức việc, tu sĩ Công giáo nói riêng trong hành trình “lo trọn việc đạo, chung tay việc đời”, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, trong tổng số 42 tỉnh, thành phố có Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thì 34 tỉnh, thành đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (nhiệm kỳ 2022- 2027). Từ nay đến hết tháng 6/2023, 8 tỉnh còn lại sẽ tổ chức Đại hội, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sẽ diễn ra vào tháng 10/2023.
Đại hội của tình đoàn kết và hiệp hành
Qua những lần tham dự và theo dõi Đại hội tại các tỉnh, thành phố, TS Nguyễn Văn Thanh - Trưởng ban Tôn giáo (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho biết, Đại hội tại các địa phương vừa qua đều diễn ra trong tinh thần đại đoàn kết, đại hội không chỉ quy tụ được những giáo dân tiêu biểu mà còn có sự hiện diện, tham dự của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các vị linh mục, tu sĩ và đại diện tôn giáo bạn trên địa bàn.
Đồng bào Công giáo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam không chỉ gắn bó đồng hành, mà hơn thế nữa còn hiệp nhất cùng toàn dân và giáo hội để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
Đây được xem là điểm tương đồng quan trọng để các phong trào thi đua yêu nước sống tốt đời, đẹp đạo lan tỏa và có sức sống lâu dài trên nhiều lĩnh vực: Phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường; giữ gìn nếp sống đạo, từ thiện bác ái…” - ông Thanh cho biết.
Cũng theo ông Thanh, Chủ trương, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta và công tác tôn giáo của MTTQ Việt Nam được thực hiện ngày càng tốt hơn đã tăng cường niềm tin của đồng bào các tôn giáo. Giáo hội Công giáo cũng ngày càng gắn bó đồng hành mật thiết trong lòng dân tộc. Vì thế, Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tại các tỉnh, thành phố không chỉ có thành tích qua những con số tham gia phát triển kinh tế, xã hội, từ thiện bác ái… mà còn đạt được ý nghĩa tinh thần quan trọng, đó là khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong đồng bào Công giáo Việt Nam... qua đó, khích lệ đồng bào Công giáo chủ động, tích cực tham gia cùng nhân dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Nhịp cầu Đạo – Đời
Nội dung Đại hội tại các tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy vai trò “cầu nối” của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam được khẳng định trên thực tế. Theo đó, các buổi gặp mặt chức sắc tôn giáo, trao đổi thông tin giữa chính quyền, MTTQ với Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành phố được duy trì thường xuyên đã tăng thêm hiệu quả công tác phối hợp nắm bắt nguyện vọng chính đáng của đồng bào Công giáo để tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm giải quyết hợp tình, hợp pháp.
Tại Thái Nguyên, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã kiến tạo được những “nhịp cầu” để phản ánh, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết nguyện vọng chính đáng của tổ chức Công giáo trên cơ sở vừa tháo gỡ được điểm vướng vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật. Cụ thể, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã chủ động phối hợp với MTTQ, cơ quan chức năng để hướng dẫn, hỗ trợ và gỡ vướng cho nhiều họ đạo về thủ tục công nhận tổ chức tôn giáo, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin giao đất xây dựng thánh đường và cấp phép xây dựng công trình tôn giáo. Chỉ trong vài năm gần đây, Thái Nguyên đã có 7 cơ sở Công giáo được cấp phép xây dựng mới, không có cơ sở thờ tự Công giáo nào xây dựng không phép…
Tại Hà Nội “cầu nối” được xây dựng tới tận khu dân cư qua việc hình thành các Tổ đoàn kết Công giáo với sự tham gia của các vị trong Ban Hành giáo, các vị là hội viên đoàn thể xã hội để kịp thời thảo luận và triển khai những hoạt động tốt đời, đẹp đạo tại cơ sở.
Nhiệm kỳ 2017-2022 của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam hoạt động trong hoàn cảnh nước ta bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, nhưng theo Phó Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam Nguyễn Văn Toàn, các mối liên hệ và kế hoạch công việc vẫn được triển khai theo hướng tinh gọn, có trọng tâm nên vẫn phát huy được các phong trào, cuộc vận động thi đua yêu nước vào đời sống thực tiễn phù hợp với đặc điểm ở cơ sở và từng giai đoạn thích hợp. Đánh giá tại các Đại hội cho thấy, mỗi khi đất nước đứng trước những thử thách gian nan như đại dịch Covid-19, giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực trong đồng bào Công giáo lại được phát huy mạnh mẽ trong tình đoàn kết đồng bào.
Với chủ đề đại hội: “Hiệp hành- Chia sẻ- Phục vụ”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Toàn bày tỏ tin tưởng Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc các cấp sẽ phát huy hơn nữa lối sống đạo, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của người Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc để chung lòng, chung sức xây dựng và phát triển đất nước như chỉ dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên mà còn là đòi hỏi của phúc âm.
“Công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tại các địa phương rất chu đáo với sự quan tâm trực tiếp của MTTQ Việt Nam từ Trung ương tới địa phương. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã sớm có chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các tỉnh, thành phố phối hợp giúp đỡ Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam về mọi điều kiện cần thiết. Vì thế, công tác tổ chức, nội dung Đại hội và nhân sự Ủy ban Đoàn kết Công giáo đều đáp ứng được yêu cầu cao”- ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam khẳng định.