Giữa những ngày khu vực Hồ Gươm trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, chiều 24/3/2025, Hội Nhà báo Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội và báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức tọa đàm “Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Trong rất nhiều ý kiến tham luận tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng cho dù có nói gì chăng nữa, người Hà Nội từ lâu vẫn được biết đến với hình ảnh thanh lịch, văn minh, thể hiện qua phong cách ứng xử, giao tiếp, trang phục và lối sống. Theo TS Đồng Mạnh Hùng (Đài Tiếng nói Việt Nam), các thế hệ người Hà Nội luôn tự hào với giá trị truyền thống, quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thông qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con người với con người.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa, hội nhập quốc tế những giá trị này đang chịu nhiều tác động và đây đó mai một, biến dạng. Đặc biệt một bộ phận người trẻ không hiểu về nét đẹp văn hóa người Hà Nội và càng không có khái niệm xây dựng văn hóa người Hà Nội.
Đến nay, không khó có thể thấy tại nhiều khu vực công cộng trên địa bàn Hà Nội, người dân vẫn còn thiếu ý thức trong việc ứng xử với không gian chung. Tình trạng xả rác còn diễn ra thường xuyên tại đường phố, công viên; tại nhiều điểm kinh doanh, còn diễn ra hiện tượng chen lấn, không xếp hàng hoặc nhường nhịn nhau; việc cãi cọ, lớn tiếng với nhau thường xuyên xảy ra; thời gian qua, trên địa bàn thành phố cũng xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, thậm chí cả trong môi trường giáo dục Thủ đô, ứng xử giữa thầy cô và các học trò đã gây bức xúc dư luận…
Điều đó cho thấy, cuộc vận động “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa thực sự đáng kể. Những quy tắc ứng xử vẫn chưa thực sự “thấm” vào cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, vào mỗi người dân, chưa thực sự trở thành nếp nghĩ, nếp nhà, nếp văn hóa.
Người Hà Nội thanh lịch hiện giờ đang ở đâu? là câu hỏi được đặt ra mà theo nhà báo Lê Trần Nguyên Huy – Quyền Tổng biên tập báo Nhà báo và Công luận thì đó là một trong vô vàn những câu hỏi đã được báo chí, những người yêu Hà Nội, mê đắm, trân trọng, tôn kính cái cốt cách, cái “chất” thanh lịch, nho nhã của người xứ kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội đặt ra trong nhiều năm qua và cho đến nay, đó vẫn là câu hỏi ngỏ, thậm chí ngày càng đau đáu, thậm chí nhức nhối.
Cách nói năng tùy tiện, từ ngữ thô tục ở cửa miệng của cả những sinh viên có học. Cách ăn uống giờ cũng xô bồ, chạm cốc bia vại, hô lớn "dô dô" rồi ngửa cổ uống ừng ực, bia bọt tràn ra mép một cách bất nhã. Mọi cuộc va chạm không phân biệt phải trái cứ to mồm và dùng sức mạnh chân tay để "cả vú lấp miệng em". Một số người hay đua xe, lạng lách trên đường làm mất trật tự, an toàn giao thông, coi thường luật pháp. Mặc dù đã xây dựng hàng nghìn km đường nhưng phương tiện giao thông tăng quá nhanh và ý thức tôn trọng luật giao thông của người dân chưa cao nên tình trạng ùn tắc trở thành vấn đề nóng của Hà Nội.
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng vai trò của báo chí, truyền thông trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quan trọng. Hà Nội là thủ đô của cả nước, nơi tập trung nhiều cơ quan báo chí lớn của Trung ương, các bộ ngành và Hà Nội. Trong những năm qua, các phương tiện truyền thông đại chúng của Trung ương và Hà Nội đã tích cực tuyên truyền về văn hóa ứng xử, phong cách thanh lịch của người Hà Nội. Các cơ quan báo chí lớn có các chuyên trang, chuyên mục về Hà Nội, trong đó giành nhiều bài viết, hình ảnh, thậm chí là phim ảnh giới thiệu văn hóa người Hà Nội - Tràng An văn minh, thanh lịch. Các bài báo, phóng sự, chương trình phát thanh truyền hình ca ngợi nét đẹp con người Hà Nội thanh lịch bằng nhiều cách như thông qua bài viết về những việc tử tế, những người tử tế như một bà giáo già giành tiền lương hưu mở lớp xóa mù chữ cho trẻ em nghèo, hay một lão nông nhường đất mở đường cho nông thôn mới hay bài viết về những tập thể phụ nữ ở một phường nội thành với nồi cháo từ thiện... để nói về trách nhiệm của người Hà Nội với xã hội, cộng đồng; hay viết về những tấm gương học sinh, sinh viên học giỏi, những bác sĩ tận tâm, những nhà khoa học xuất sắc để nói về người Hà Nội đã và đang phát huy truyền thống khoa cử xây dựng Thủ đô...
“Báo chí, truyền thông đang phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó có sự cạnh tranh của mạng xã hội và từ thông tin xấu, độc ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người trong thời đại mới.”
(Nhà báo Nguyễn Minh Đức – Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới)
Nhưng có lẽ, nhiều nhất vẫn là những bài viết về những nét đẹp riêng có của người Hà Nội như kính bố mẹ, yêu gia đình, giúp già, nhường trẻ; rồi cách ăn, nét mặc, giọng nói, cách cư xử nơi công cộng... của người Hà Nội. Cùng với ngợi ca, quảng bá văn hóa người Hà Nội thanh lịch, các cơ quan báo chí còn có những bài nêu những bất cập trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa người Hà Nội, những thói hư, tật xấu trong một bộ phận người Hà Nội xấu xí... Nhiều bài báo đã đề ra các giải pháp mạnh, hiến kế để Hà Nội gìn giữ và xây dựng Người Hà Nội thanh lịch.
Tuy nhiên, có thể nói, việc truyền thông trên báo chí đã đạt được độ phủ rộng, nhưng nội dung tuyên truyền của một số sản phẩm báo chí chưa thực sự hấp dẫn và chưa theo kịp sự thay đổi của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều sản phẩm trên báo chí cách viết còn cũ, hình thức chưa thực sự bắt tai, bắt mắt. Đặc biệt, nhiều bài viết còn chưa phát hiện ra những nhân tố mới, những chi tiết mới khiến cho việc tuyên truyền lặp đi, lặp lại không hấp dẫn; cách đề xuất giải pháp còn chung chung, thậm chí rơi vào răn dạy, giáo điều...
Một số chiến dịch truyền thông của các cơ quan báo chí thiếu chiều sâu, chủ yếu tập trung vào khẩu hiệu mà chưa có biện pháp triển khai hiệu quả. Đặc biệt, là nhiều chiến dịch chỉ rầm rộ trên báo chí trong thời điểm nhất định như ngày 10-10 hoặc ngày lễ, tết... Nhiều cơ quan báo chí trung ương, nếu tuyên truyền về Hà Nội chỉ coi trọng những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, còn việc viết về Người Hà Nội thanh lịch là chủ đề phụ, là việc của các cơ quan báo chí Hà Nội. Nhiều cơ quan báo chí của Hà Nội còn né tránh những vấn đề “nhạy cảm” như phản ánh cái xấu, tiêu cực trong lĩnh vực này.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, tuy nhiên công tác truyền thông về Người Hà Nội thanh lịch chưa tận dụng triệt để công nghệ số, mạng xã hội để tiếp cận đa dạng đối tượng. Trang fanpage “Hà Nội đẹp và chưa đẹp” chưa thực sự thu hút sự quan tâm của công chúng; trong khi đó có quá nhiều trang, blog, kênh..có từ “Hà Nội”; “Người Hà Nội” đăng tải những không chính thống, không chính xác, thiếu khách quan thu hút công chúng khiến cho hình ảnh người Hà Nội thanh lịch trên truyền thông số bị lệch lạc, méo mó.
Bởi vậy các đại biểu cho rằng Hà Nội cần có một chiến lược mạnh mẽ để kết nối các cơ quan báo chí với chiến lược truyền thông cụ thể, đặt hàng những nội dung cần ưu tiên trong từng thời điểm, nhấn mạnh những cách làm, cách truyền thông phù hợp nhất với địa bàn Hà Nội. Cùng với đó thường xuyên cung cấp cho các nhà báo kiến thức, kỹ năng để việc truyền thông về người Hà Nội thanh lịch được dài lâu mà không rơi vào tình trạng nhàm chán, lặp đi lặp lại.
Nhất là trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các cơ quan báo chí có thể phân phối các tác phẩm báo chí, sản phẩm truyền thông về người Hà Nội thanh lịch trên các nền tảng trực tuyến để cung cấp nội dung truyền thông đa phương tiện như video ngắn, infographic, podcast. Có thể tận dụng mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube) để tiếp cận giới trẻ. Chú ý xây dựng các ứng dụng tương tác về văn hóa ứng xử Hà Nội, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và thực hành.