Khơi gợi sự sáng tạo

Việt Quỳnh (thực hiện) 07/09/2023 07:18

“Các nước phát triển trên thế giới đưa âm nhạc vào trường học từ rất sớm, lợi ích từ âm nhạc đã có nhiều nghiên cứu và đánh giá từ các nhà khoa học như: Kích thích não bộ của trẻ nhỏ hoạt động nhanh và nhiều hơn bình thường cũng như các lợi ích khác từ âm nhạc”, ca sĩ Tuấn Hiệp chia sẻ.

Ca sĩ Tuấn Hiệp.

Do vậy, ngay từ khi các con còn nhỏ, ca sĩ Tuấn Hiệp luôn chủ động cho các con tiếp xúc với âm nhạc, đồng thời, anh cũng không bắt buộc các con phải nghe thể loại nhạc gì, hay phải học nhạc cụ nào: “Các con thích học gì liên quan đến âm nhạc là tôi sẵn sàng cho con đi học. Tôi rất vui khi hai con đều học giỏi các môn văn hóa, và đều có năng khiếu âm nhạc”.

Khi còn làm việc trong các nhà hát, ở đâu có người nghe là ở đó có tiếng hát của Tuấn Hiệp. Giờ đây, mỗi khi ra nước ngoài biểu diễn, anh cũng luôn lấy tiêu chí: Ở đâu có đồng hương Việt Nam, ở đó sẽ có tiếng hát của Tuấn Hiệp dù chặng đường còn rất dài để mang tiếng hát của mình đi khắp nơi. Khi chọn bài hát, chắc chắn sẽ là những bài hát trữ tình gợi nhớ quê hương, ca sĩ Tuấn Hiệp rất thích hát những bài hát về mẹ mỗi khi có điều kiện hát ở nước ngoài. Với Tuấn Hiệp thì mẹ là quê hương, quê hương là mẹ.

“Âm nhạc gắn liền với đời sống con người, ngay từ khi ta chào đời thì đã được nghe tiếng ru à ơi của mẹ, là những bài hát, những làn điệu dân ca từng vùng miền với những ca từ có ý nghĩa gắn liền với đời sống lao động hàng ngày.

Vì được nghe tiếng ru của mẹ, chúng ta sớm được cảm nhận được những giai điệu buồn man mác, ca từ gợi nhớ quê hương, nguồn cội, hay những bài đồng dao, những điệu hò dân gian Việt Nam với những ca từ nhắc nhớ chúng ta luôn hướng tới cái hay, ý đẹp trong cuộc sống. Có lẽ đó cũng là một phần ảnh hưởng, thấm nhuần, ăn sâu vào tâm thức của người Việt. Với những người nhạc sĩ sáng tác, những tác phẩm nổi tiếng để đời thường là những tác phẩm buồn, ví dụ: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nổi tiếng với “Mẹ yêu con”, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 với bài “Cô đơn”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có “Ướt mi”, và rất nhiều nhạc sĩ khác nữa nổi tiếng từ những bài tình ca buồn.

Với người nghe cũng vậy, đa số khán giả thích nghe nhạc buồn man mác với tiết tấu nhẹ nhàng chậm rãi, cùng với ca từ dễ nghe, dễ hiểu, vì sau những bộn bề lo toan công việc, cơm áo gạo tiền hàng ngày thì họ cũng muốn được thư giãn, được tĩnh tâm để nạp năng lượng, cân bằng lại tinh thần, sức khỏe bằng âm nhạc”, ca sĩ Tuấn Hiệp tâm sự.

Từ chương trình âm nhạc của các cá nhân hay nhóm nhạc nổi tiếng, có thể thấy âm nhạc có sức hút rất lớn cũng như ảnh hưởng đến tâm sinh lý giới trẻ. Âm nhạc là liều thuốc chữa lành tâm hồn và có tác dụng phát triển trí não, khơi gợi trí tưởng tượng, sự sáng tạo.

Theo ca sĩ Tuấn Hiệp: “Âm nhạc giúp ta cân bằng tinh thần cuộc sống hàng ngày sau bao mệt nhọc vất vả lo toan. Âm nhạc giúp người với người gắn kết và đồng cảm, thân thiện với nhau hơn. Âm nhạc giúp ta yêu đời, giúp ta vượt qua được những khó khăn, thăng trầm trong cuộc sống dễ dàng hơn.

Sự phát triển của âm nhạc Việt Nam luôn gắn liền với các giai đoạn lịch sử, thời kỳ chiến tranh của dân tộc, âm nhạc giúp cho cả dân tộc đoàn kết hơn, giúp cho những người lính luôn hừng hực khí thế hào hùng mỗi khi ra trận, đặc biệt, giúp ta hiểu về lịch sử Việt Nam hơn. Âm nhạc là liều thuốc làm vơi đi những vết thương lòng và sự cô đơn đợi chờ, khắc khoải. Âm nhạc cũng có tác dụng phát triển trí não trẻ em, khơi gợi trí tưởng tượng, sự sáng tạo cho trẻ em.

Với những điều tích cực từ âm nhạc kể trên, thì ở các nước phát triển trên thế giới, âm nhạc được phổ cập và trở thành môn học bắt buộc ngay từ rất sớm, đâu cứ cần phải có năng khiếu mới có thể học nhạc và nghe được nhạc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi gợi sự sáng tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO