Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2023 vừa bế mạc tối 29/9 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Với chủ đề “Thiết kế từ những hạn chế”, Tuần lễ đã mang đến cho công chúng những sản phẩm sáng giàu tính thẩm mỹ, sáng tạo và góp phần định hình một thương hiệu quốc gia cho ngành công nghiệp thiết kế tại Việt Nam.
Dấu ấn của sáng tạo
Chính thức được phát động từ cuối tháng 4/2023, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2024 (mùa thứ 4) đã nhận được 150 tác phẩm dự thi ở 5 lĩnh vực thiết kế truyền thông, đồ nội thất, vật dụng và trang trí, trang phục và nhánh đề bài. Đặc biệt, với chủ đề “Thiết kế từ những hạn chế” các nhà thiết kế đã đưa ra “lời giải” thông qua các tác phẩm dự thi. Đây là đề tài được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng nguyên liệu, nhiên liệu thô đang diễn ra trên toàn cầu. Con người cần tái sử dụng những thứ bỏ đi, làm giảm nhu cầu về nguyên liệu thô mới, đưa ra những giải pháp thích nghi với biến đổi môi trường vốn là bản năng sinh tồn của con người nhưng ở giai đoạn này còn là điều cần thiết và khẩn thiết.
Không những vậy, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2023, cũng ghi đậm dấu ấn của những người trẻ khi đưa trí tưởng tượng của mình vươn xa hơn, cũng như khắc phục những hạn chế trong thực tiễn cuộc sống để tạo ra nhiều sản phẩm có ích, thiết thực với cuộc sống. Có thể kế đến 10 mẫu thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên hồ Hoàn Kiếm - một đề bài nhánh được đưa ra nhằm tìm kiếm những phương án thiết kế tối ưu để thay thế những nhà vệ sinh cũ bên hồ Hoàn Kiếm. Hay hàng loạt sản phẩm sáng tạo như Đèn giấy giang, Điệp, Tọa (thiết kế vật dụng và trang trí); Ghế bố, Thông điệp của ghế (thiết kế nội thất)… nằm trong top 31 thiết kế xuất sắc nhất trong cuộc thi Thiết kế Việt Nam 2023.
Bên cạnh đó, Tuần lễ cũng đa mang đến sự giao thoa về văn hóa với triển lãm “Thiên, Thủy, Thổ: Những cuộc giao thoa” . Triển lãm được dẫn dắt bởi Giám tuyển Wax Atelier (London), phối hợp với các thợ thủ công Mông Dua của bản Pà Cò (Hòa Bình) và Kilomet109 (Hà Nội) đã mang đến sự khám phá sống động về nền thủ công phong phú, di sản và kiến thức chung giữa Anh Quốc và Việt Nam. Cuối cùng, khách tham quan sẽ bước vào một rạp chiếu phim nhỏ, hay còn gọi là cõi Thiên, là nơi được sắp đặt sống động và trình chiếu phim.
Ngoài ra, lần đầu tiên trong khuôn khổ Tuần lễ, giải thưởng Thiết kế của năm - Design of the year 2023 được thực hiện nhằm tôn vinh những thiết kế sản phẩm tốt nhất tại Việt Nam; và hội chợ thiết kế Design fair Vietnam diễn ra tại Vườn Giám với không gian kiến trúc - cảnh quan đặc sắc thu hút gần 50 đơn vị thiết kế - sản xuất trong nước và quốc tế như Viglacera, Urban garden, Hawaexpo, Aristino,… với hơn 100 gian hàng ở các lĩnh vực: đồ nội ngoại thất, vật dụng và trang trí, thủ công mỹ nghệ, thời trang, truyền thông… được ban tổ chức lựa chọn trưng bày giới thiệu sản phẩm với các đối tác và người tiêu dùng.
Tìm cơ chế cho văn hóa sáng tạo
Có thể nói, sau 4 lần tổ chức Tuần lễ Thiết kế Việt Nam không chỉ tạo nên thương hiệu mà là điểm đến “chắp cánh” cho những sản phẩm sáng tạo hữu ích. Tuy nhiên, để các sản phẩm sáng tạo bước ra khỏi tủ kính của các cuộc trưng bày hay những bản vẽ thiết kế vẫn còn đó một hành trình đầy gian nan. Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng nhìn nhận, trong khoảng chục năm trở lại đây, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo hiện đang nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, dù được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, với một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa trong những năm tới, nhưng các ngành này hiện đang gặp phải nhiều khó khăn do thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi chuyên biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hoá.
Đồng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam TS Mai Thuỳ Hương cũng cho rằng, chúng ta có chủ trương về xã hội hóa từ những năm 2008, có các chính sách ưu đãi về thuế đối với một số loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong ngành văn hóa và sáng tạo. Tuy nhiên, trong thực tế, cơ chế và năng lực thực thi các chính sách đó chưa hiệu quả.
Cũng theo TS Mai Thuỳ Hương, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng đang thực hiện một đề tài nghiên cứu về mô hình hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở trường hợp TP Hà Nội. Trong hơn chục năm vừa qua, kết quả của các chương trình nghiên cứu và tư vấn chính sách về phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung, nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam nói riêng đã cho thấy thực tế rằng, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, trong đó có ngành thiết kế sáng tạo có nhiều tiềm năng để có thể phát triển mạnh ở phạm vi vùng và quốc tế. “Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, vừa cần sự nỗ lực của người làm sáng tạo và người kinh doanh sáng tạo, vừa phải có sự hỗ trợ về mặt cơ chế và chính sách chuyên biệt dành cho các ngành mà chúng ta xác định là công nghiệp văn hóa và sáng tạo” - TS Mai Thùy Hương bày tỏ.
Thực tế cho thấy, để phát huy những sáng tạo về văn hoá, bên cạnh những chương trình quảng bá, giới thiệu các sản phẩm này đang cần những “bà đỡ” để có cơ hội “vươn cao, vươn xa”. Để làm được điều này đang cần sự nỗ lực của người làm sáng tạo và người kinh doanh sáng tạo, vừa phải có sự hỗ trợ về mặt cơ chế và chính sách chuyên biệt dành cho các ngành đã được xác định là công nghiệp văn hóa và sáng tạo.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Việt Nam lần thứ tư góp phần nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế nói riêng, công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Việt Nam nói chung; đồng thời nâng cao giá trị của các sản phẩm sáng tạo Việt Nam trên thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế. Thay mặt nhà quản lý, chúng tôi muốn chứng minh cho cộng đồng sáng tạo, những nhà thiết kế sáng tạo thấy rằng, chúng tôi luôn luôn tìm mọi cách để tạo ra được không gian, tạo ra được thiết chế, cơ chế và chính sách để cho cộng đồng những người làm sáng tạo được có thể sáng tạo và hiện thực hóa nó thành những sản phẩm có ích cho quốc gia.