Kinh tế

Khơi thông động lực tăng trưởng mới

Thúy Hằng 12/04/2024 20:49

Chiều ngày 12/4, tại Hà Nội diễn ra toạ đàm Diễn Đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới. Giới chuyên gia cho rằng khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

437205613_1623558868415067_7846450696143080378_n.jpg
Các đại biểu tham gia toạ đàm

Cùng với đó, các nền kinh tế đối tác lớn của Việt Nam lại đang phải đối mặt với tình trạng nợ công cao. Do vậy, dư địa cho các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp để mở rộng đầu tư không nhiều. Triển vọng tăng trưởng của các quốc gia này cũng không quá tích cực và điều này sẽ ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, thích ứng linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm 2024, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan và đang dần lấy lại đà tăng trưởng.

Theo đó, GDP quý I tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra và là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Các động lực tăng trưởng truyền thống đều tăng tích cực; các khu vực quan trọng của nền kinh tế như nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tiếp tục hồi phục.

Hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu chuyển biến tốt, trong quý 1 nền kinh tế ghi nhận gần 60 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng so với cùng kỳ.

Những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho phục hồi và phát triển trong những quý còn lại của năm 2024 - năm tăng tốc để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 và là giai đoạn nền tảng giữa kỳ hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030.

Ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó chính ông Hoàng Quang Phòng cũng nhấn mạnh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương bình luận, hiện nay khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn gặp khó do thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa trở thành kênh hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cùng với đó, thị trường bất động sản vẫn chưa có sự khởi sắc. Vị chuyên gia lưu ý, cả hai yếu tố này sẽ tác động đến khả năng cung ứng của nền kinh tế và cần tập trung để khơi thông trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, ông Tú Anh đánh giá, Việt Nam cần lưu ý đến một số yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, các rủi ro địa chính trị như bùng nổ căng thẳng tại Trung Đông sẽ làm giá dầu, việc đóng cửa biển Đỏ do chiến sự sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, chiến sự Nga –Ukraine có thể lan rộng ngoài tầm kiểm soát sẽ dẫn đến tổn hại đến dòng chảy thương mại.

Mặt khác, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn đang ngày càng sâu sắc làm ảnh hưởng tiêu cực đến các dòng vốn và thương mại. Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được khơi thông, gần 300 nghìn tỷ đến hạn trong năm 2024 có thể tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản không được khơi thông sẽ trở thành điểm nghẽn lớn.

Hiện yếu tố thuận lợi còn rất lớn nhưng vẫn còn khó khăn trong nội tại và rủi ro. Tuy nhiên, ông Tú Anh cho biết, nếu các yếu tố thuận lợi được tận dụng tối đa, hạn chế khó khăn và các rủi ro được nhận kiểm soát chặt chẽ, cùng với quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ, dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% có thể đạt được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi thông động lực tăng trưởng mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO