Văn hóa

Khơi thông dòng vốn cho điện ảnh

An Nhiên 28/05/2024 08:05

Vốn quen với việc làm phim bằng ngân sách nhà nước, nhiều người băn khoăn: Nhà nước “cắt cầu” thì lấy tiền đâu để làm phim? Lại có người nói muốn điện ảnh Việt Nam thăng hoa thì Nhà nước phải đầu tư lớn. Cũng có đạo diễn nêu ý kiến Nhà nước cùng doanh nghiệp đầu tư, lời lỗ cùng chịu.

Đây có thể nói là mối bận tâm lớn của điện ảnh khi mà đã quá quen với “bầu sữa” ngân sách, tuy rằng điện ảnh Việt Nam đã xã hội hóa từ năm 2008 với sự ra đời của các hãng phim tư nhân, kéo theo sự trở về của một số diễn viên và đạo diễn Việt kiều. Trong đó có Charlie Nguyễn, Victor Vũ - những người thổi làn gió mới vào thị trường điện ảnh trong nước.

Thời gian qua, một số công ty/cá nhân đóng góp vốn để sản xuất phim. Đây là việc bình thường trên thế giới nhưng với ta vẫn mới mẻ. Nhiều nhà sản xuất, đạo diễn không quen với việc tự mình phải thuyết trình, thuyết phục nhà đầu tư. Lại cũng ngại khi nhà đầu tư can thiệp sâu vào kịch bản, bối cảnh quay phim cũng như chọn diễn viên. Họ đã quen với việc coi bộ phim do mình đạo diễn là tác phẩm nghệ thuật “không tì vết” của riêng mình, chứ không nghĩ nó là một dự án điện ảnh. Gọi nó là “dự án” nghe có vẻ kinh tế quá, dễ tổn thương đến nghệ thuật quá (!).

Thế nhưng, kinh phí đầu tư cho một dự án điện ảnh ngày càng cao, nhà làm phim không thể có đủ nguồn lực tài chính. Vì vậy, các đạo diễn buộc phải tìm đến nhà đầu tư.

Theo Forbes Việt Nam, trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát (năm 2019), mỗi năm điện ảnh Việt Nam giới thiệu ra thị trường 40 - 60 bộ phim chiếu rạp, trong đó chỉ khoảng 7 - 10 phim hòa vốn; 3 - 5 phim có lãi; 1 - 2 phim lãi lớn, còn đa số là thất bại. Nhiều bộ phim biến mất chỉ sau một tuần ra rạp, thậm chí vài ngày vì không có khán giả.

Vẫn lấy thời điểm 2019 để tính, thì lượt xem phim tại rạp ở Việt Nam đạt khoảng 56 triệu, so sánh trên quy mô dân số thì tỷ lệ chưa đầy 0,6 lần/năm. Trong khi con số tương ứng tại Hàn Quốc và Malaysia lần lượt gấp 8,5 và 4 lần so với Việt Nam.

Cũng chính vì thế mà các nhà đầu tư phim ảnh chùn tay khi rót vốn vào lĩnh vực mạo hiểm này. Cũng khó trách nhà đầu tư nếu như các nhà làm phim không thể kéo người xem tới rạp, thì coi như đầu tư lỗ, mà biết lỗ thì mấy ai chịu làm.

Nhân đây cũng cần nhắc lại, chính sách của nhà nước đối với điện ảnh còn phải bổ sung nhưng cũng không hẳn là quá khó cho phim Việt. Lấy ví dụ về chuyện phim chiếu rạp: Nghị định 131/2022 của Chính phủ quy định tỉ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp trên cả nước. Theo đó, từ năm 2023, phim Việt sẽ được ưu tiên chiếu vào khung thời gian “vàng” từ 18 giờ - 22 giờ hàng ngày, bảo đảm đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm.

Tuy nhiên, không ít ý kiến vẫn cho rằng, bài toán thách thức của điện ảnh hiện nay không hẳn đến từ con người (diễn viên, đạo diễn, nhà biên kịch...) mà là tài chính. Thực tế thì bệ đỡ tài chính vững chắc sẽ khuyến khích sự sáng tạo, nhưng cùng đó phải gặt hái thành quả tài chính xứng đáng. Mà điều đó lại phụ thuộc vào biên kịch, diễn viên, đạo diễn, quay phim.

Vậy làm thế nào để khơi thông dòng vốn chảy vào điện ảnh? Câu trả lời trước hết phải thuộc về chính ngành điện ảnh. Đó là phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm. Cũng cần phải nhìn vào những bộ phim doanh thu nghìn tỷ gần đây có sự góp vốn của tư nhân để trả lời cho câu hỏi đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi thông dòng vốn cho điện ảnh