Năm 2017, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Hoằng Trường với công suất thiết kế xử lý được 14 tấn/ngày, phục vụ nhu cầu xử lý rác thải cho 8 xã vùng ven biển của địa phương. Tuy nhiên, kể từ khi đi vào hoạt động, đến nay nhà máy đã phải ngừng hoạt động, khiến môi trường trong khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng, người dân địa phương bức xúc.
Nhà máy xử lý rác thải Hoằng Trường đang ngừng hoạt động.
Ngay khi mới đi vào hoạt động, nhà máy xử lý rác Hoằng Trường đã vấp phải sự phản kháng của nhân dân vì tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Thời điểm đó, rác từ khắp nơi được thu gom đưa về xã ven biển Hoằng Trường khiến đời sống nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Anh Trương Văn Lục, trú thôn 1, xã Hoằng Trường kể: “Chúng tôi không thể chịu nổi với cảnh sống chung với tình trạng khói lan toả khắp vùng, kèm theo mùi khét lẹt, rất khó chịu mỗi khi nhà máy này vận hành. Chính vì vậy, bà con ở gần khu vực bãi rác đã nhiều lần làm đơn gửi lên UBND xã Hoằng Trường, UBND huyện Hoằng Hoá, nhưng mọi việc vẫn không được cải thiện”. Cũng theo nhân dân xã Hoằng Trường, thì vào dịp hè, trời nắng nóng gay gắt, mùi hôi thối bốc lên càng nồng nặng gấp bội.
Thực tế cho thấy, nhà máy xử lý rác Hoằng Trường làm ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở các thôn 1, 2, 4, 7. Theo cảm nhận của chúng tôi, mùi hôi thối quanh khu vực xử lý rác toả ra rất khủng khiếp. Ô nhiễm môi trường dẫn tới bùng phát ruồi nhặng, đến bữa ăn, không ít hộ phải mắc màn mới có thể đối phó với đàn ruồi sà xuống mâm.
Bà Lê Thị Tùng (60 tuổi) bức xúc cho biết: Khi chính quyền huyện Hoằng Hoá quyết định xây dựng nhà máy rác ở Hoằng Trường, nhân dân đã không đồng ý vì địa điểm đặt nhà máy quá gần khu dân cư.
Bà Tùng nói: “Nhà tôi chỉ cách nhà máy rác duy nhất bởi bức tường. Ngày ngày, chúng tôi luôn phải hít thở không khí với không biết bao nhiêu thứ mùi hôi thối nồng nặc. Đến mùa mưa thì nước đen ngòm trong khu chứa rác của nhà máy thẩm thấu qua tường chảy xuống mương nước sinh hoạt, sản xuất của dân, không đảm bảo vệ sinh”.
Hàng trăm tấn rác thải ùn ứ ở Hoằng Trường khiến người dân bức xúc.
Có thể thấy, việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở đây là không hợp lý. Không chỉ có hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng mà cả trường mầm non, trường tiểu học cũng chỉ cách nhà máy rác khoảng vài trăm mét; trạm y tế xã Hoằng Trường chỉ cách nhà máy khoảng 300m…
Suốt từ cuối tháng 9/2018 đến nay, nhà máy xử lý rác thải Hoằng Trường ngừng hoạt động đột ngột, khiến hàng trăm tấn rác thải tồn đọng bên trong càng bốc mùi nồng nặc. Rác ếm lại đây rò rỉ nguồn nước thải cô đặc thẩm thấu ra ngoài hàng rào, bốc mùi hôi thối nồng nặc lan toả ra cả khu vực cách xa hàng km.
Nói về sự việc nhà máy rác Hoằng Trường ngừng hoạt động, ông Lê Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết: Phản ánh của người dân về hiện tượng nhà máy xử lý rác thải Hoằng Trường gây ô nhiễm là chính xác. UBND xã Hoằng Trường cũng đã nhận được rất nhiều phản ánh từ phía nhân dân.
Ông Hoàng nói: “Chúng tôi đã báo cáo lên huyện về vấn đề này, bởi dự án nhà máy xử lý rác thải do UBND huyện Hoằng Hoá quản lý. Bên cạnh đó, khi bà con phản ánh, nhà máy ngừng hoạt động gây tồn động hàng trăm tấn rác, chúng tôi cũng đã xuống làm việc trực tiếp với nhà máy. Đại diện nhà máy thông báo do máy hỏng, đang đi sửa dẫn đến việc rác bị tồn đọng”.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên người dân Hoằng Trường kiến nghị về việc của nhà máy xử lý rác thải. Trước đó, vào tháng 3/2018, hàng chục hộ dân địa phương đã vô cùng bức xúc trước tình cảnh ô nhiễm môi trường. Khi ấy, ông Bùi Thế Thùy - Giám đốc nhà máy xử lý rác Hoằng Trường phân trần rằng: Trung bình mỗi ngày bãi rác nhận gần 30 tấn rác, trong khi công suất chỉ xử lý được 14 tấn/ngày. Chính vì vậy mỗi ngày sẽ tồn đọng lại khoảng 16 tấn rác. Tuy nhiên có nguồn tin khác cho rằng, với nguồn kinh phí thu gom, xử lý rác thải thu được là 8.000 đồng/người/tháng không đủ chi phí vận hành nhà máy, dẫn tới việc bế tắc, tồn đọng hàng trăm tấn rác thải! Hiện UBND huyện Hoằng Hoá đang yêu cầu phía nhà máy xử lý rác thải khẩn trương sửa chữa máy móc để sớm đưa vào vận hành trở lại.