Tinh hoa Việt

Không ai có thể làm mới mình, ngoài mình

Việt Quỳnh (thực hiện) 21/05/2024 20:57

Có thể do tuổi thơ gắn bó với cây cỏ, hoa lá nên cứ về chốn hoa lá, cỏ cây, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên có cảm giác mình trẻ ra cả chục tuổi. Với chị, thiên nhiên không có màu sắc ảm đạm, buồn rầu. Màu xanh của lá cây là màu cuộc sống vĩnh cửu.

nt-pham-thi-ngoc-lien-2.jpg
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên.

20 năm là khoảng thời gian nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên ngưng lại, không in thơ nữa. Tập thơ mới “Trong tôi có nhiều tôi” vừa được phát hành của chị không chỉ gồm những bài thơ mới mà còn tuyển thêm những bài ưng ý nhất của chị trong những tập trước kia. Có những bài, chị nghĩ chỉ làm cho riêng mình: “Khi đọc lại, tôi thấy dường như phụ nữ trên đời sẽ có những lúc giống nhau về cảm xúc, về nỗi đau, về sự câm nín…, nên tôi quyết định chọn đưa vào tập thơ”.

Tiếp theo chuyên đề "Càng 'chữa lành' càng tổn thương" ở Tinh hoa Việt số 218, kỳ này chúng tôi trở lại chủ đề này. Thay vì chạy theo các dịch vụ chữa lành, thì cần hiểu “chữa lành” chính xác là sự tự chữa lành, kết nối với bên trong bản thể. Không ai có thể chữa lành cho mình trừ chính mình.

PV: Chị được gọi là “Người đàn bà không tuổi”, không chỉ với vóc dáng tính cách trẻ trung, lối sống thường trực yêu thương, mà chị luôn giàu lòng nhiệt thành với cuộc đời, với từng trang viết, với các mối quan hệ bạn hữu?

Nhà thơ PHAN THỊ NGỌC LIÊN: Tôi có tính cách mạnh mẽ, nhiệt thành này là do giáo dục gia đình mà nên. Bên cạnh đó, cuộc sống đem lại cho tôi vô vàn bài học khác. Nhờ thế mà tôi luôn chọn sự lạc quan trong bất cứ vấn đề trở ngại nào. Chân thành là thái độ tôi lựa chọn trong bất cứ hình thái giao tiếp bạn bè và xã hội. Có lúc tôi cũng bị phản bội bởi chính sự chân thành của mình. Thất vọng và buồn là lẽ đương nhiên. Nhưng sau đó, suy nghĩ lạc quan của tôi là “Ôi, mình sống chân thành thì không có gì phải buồn”.

Nhưng có nhiều khi một mình, đối diện với cô đơn, chị cũng cần tìm cách vượt qua những trống rỗng ngay từ bên trong mình?

- À, điều này rất buồn cười. Tôi luôn có cách cư xử đấm trước xoa sau với chính mình. Viết, trút hết buồn giận đau khổ thành câu chữ - nhờ vậy mà có thơ hoặc truyện đấy. Sau đó thì đi giải quyết sự trống rỗng cô đơn một cách rất đàn bà - ấy là đi shopping. Tôi có bài thơ “Phù phiếm” in trong tập, lột tả sự mua sắm giải tỏa nỗi buồn của mình. Tôi ít khi đi cà phê một mình ngoài phố. Ngồi một mình trong đám đông xa lạ chẳng khác gì tự đày đọa, khiến mình càng cô đơn hơn. Tôi thích ngồi cà phê với bạn bè, "tám" đủ thứ chuyện trên đời. Khi phải uống cà phê một mình ở nhà, tôi luôn mở nhạc sôi động, kiểu Sơn Tùng MTP. Làm sao mà trống rỗng nổi? (Cười)

Phải chăng với mỗi chuyến trở về với thiên nhiên, chị được nạp lại năng lượng sức khỏe và tinh thần? Là người có sự kết nối mạnh mẽ với thiên nhiên, chị cảm thấy như thế nào khi được sống giữa thiên nhiên?

- Tôi nghĩ không chỉ riêng mình yêu thiên nhiên đâu. Cả gia đình tôi, hễ ngày rảnh là rủ nhau đi biển hoặc lên núi. Đến với thiên nhiên, bạn trở nên vui vẻ, sống động, ham thích nhiều điều là vậy. Tôi không khác gì mọi người.

Trong tập thơ mới của chị, có thể thấy thiên nhiên hòa quyện với tâm hồn của chị? Trong nhiều tác phẩm, cũng giữa thiên nhiên, chị cũng thấy được chính bản thể của mình, cùng nhiều “Cái tôi khác”?

- Có lần tôi nói đùa với bạn bè rằng, có lẽ kiếp trước mình thuộc một giống loài nào đó trong rừng, hoặc núi. Chim chóc, hươu nai, hổ báo, cáo, chồn… (cười). Vì cứ đến những nơi ấy, cảm giác đầu tiên của tôi là suýt khóc. Như thể lâu lắm mới được về nhà vậy. Tôi không hiểu sao cứ mỗi lúc có dịp lên núi, vào rừng, dù thời gian ngắn ngủi, tôi luôn có cảm giác mình thuộc về nơi ấy. Phố xá chỉ là nơi vui vẻ tạm bợ, nơi ta chọn để bày tỏ sự phù phiếm của mình.

Trong cuốn “Những bà già xinh đẹp”, gồm những câu chuyện chữa lành, chị đã nhìn thấy chính chị, đã tái tạo lại sự xinh đẹp của thanh xuân chính mình ra sao?

- Tôi luôn chấp nhận sự thật, biết rằng mình càng thêm tuổi, càng già đi, yếu đi vì vòng tuần hoàn cuộc sống. May mắn là khi còn trẻ, tôi đã kinh qua rất nhiều khó khăn, bươn chải và hiểu được rằng mỗi ngày sống vui, sống bằng lòng với những gì mình đang có là hạnh phúc. Tiếc nuối quá khứ xinh đẹp để làm gì khi tôi vẫn nghĩ ở tuổi này mình vẫn có vẻ đẹp riêng, vẫn có thể làm điều mình muốn một cách tự nhiên, thoải mái nhất. Ví dụ, mặc áo đỏ và mua rất nhiều son đỏ chẳng hạn.

Từ chị, có thế thấy, sự chữa lành nằm ngay chính bên trong, và chỉ có chị mới tự giúp bản thân được?

- "Chữa lành" là hai từ theo xu hướng phổ biến mới đây thôi. Khi còn trẻ, tôi đã học được từ “refresh” - làm mới, và đã áp dụng nó lâu rồi. Thật sự, không ai có thể làm mới mình ngoài mình. Giống như bạn đi đâu đó, gọi là để chữa lành nhưng bạn cứ u uẩn vì vết thương cũ, cứ giam mình trong những nỗi đau cũ thì làm sao lành được? Tôi luôn làm mới mình khi có cảm giác trì trệ, mệt mỏi, không dứt ra được một suy nghĩ bi quan.

Những lúc đó, tôi có đủ cách chữa lành. Làm mới mình bằng mái tóc, chiếc áo, đôi giày… là ở bên ngoài. Đi học một lớp khiêu vũ, làm gốm, xách máy ảnh đi khắp nơi, hoặc đơn giản hơn - ngồi vẽ tranh là cách chữa lành tâm hồn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không ai có thể làm mới mình, ngoài mình