Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 5 giây lại có một người mắc bệnh đái tháo đường, cứ 10 giây lại có một người chết vì bệnh. Tại Việt Nam, vào năm 2015 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040.
Nguy cơ cao dẫn đến mù lòa, đột qụy
Theo một nghiên cứu mới được công bố của TS.BS. Phan Hướng Dương, Bệnh viện Nội tiết Trung ương về tình hình đái tháo đường (ĐTĐ) tại nước ta thì năm 2025, tỷ lệ người mắc ĐTĐ ước tính là 8,7% và số người mắc là hơn 4,2 triệu người. Thế nhưng, nghiên cứu này cũng đưa ra con số đáng lo ngại, trên toàn quốc có tới 62,6% người mắc ĐTĐ không được chẩn đoán.
Trong khi đó, ĐTĐ là căn bệnh đòi hỏi người bệnh cần đươc theo dõi, điều trị đúng, đủ, điều trị lâu dài, kéo dài đến hết cuộc đời. Mục tiêu điều trị là kiểm soát chỉ số glucose máu ở mức độ cho phép để giảm tối đa các nguy cơ biến chứng. Nếu người bệnh ĐTĐ không kiểm soát đươc glucose máu trong giới hạn cho phép sẽ dẫn đến các biến chứng nặng nề cho mắt, thận, tim, tổn thương mạch máu, bệnh lý bàn chân…
Người bệnh ĐTĐ sẽ có cuộc sống khỏe mạnh nếu duy trì được lối sống khoa học, uống thuốc đều đặn, đặc biệt là biết lắng nghe cơ thể mình một cách cẩn trọng. Ngược lại, sẽ dẫn tới nguy cơ mắc các biến chứng sớm, nguy hiểm đến tính mạng nếu như không tuân thủ các chế độ điều trị.
Thực tế, đây được xem là một trong những căn bệnh chính gây ra mù lòa, suy thận, đau tim, đột quỵ và cắt cụt chi.
Thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân Phạm Thị Q. 40 tuổi, thường trú tại tỉnh Quảng Ninh, được chuyển tuyến trong tình trạng nhiễm trùng bàn cẳng chân lan rộng do biến chứng thần kinh ngoại vi – ĐTĐ mất cảm giác bàn chân và không được điều trị kịp thời. Tại thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân xuất hiện tình trạng cẳng bàn chân trái loét diện rộng, sưng nề tấy đỏ, dịch thấm băng nhiều kèm mùi hôi thối do hoại tử; sốt trên 38 độ C có những cơn rét run.
Sau khi tiếp nhận, tình trạng bệnh diễn biến nhanh và xấu, vết loét hoại tử lan rộng lên trên đùi và một phần bộ phận sinh dục; nhiễm khuẩn huyết, nhiễm độc, viêm phổi, suy tim, suy kiệt cơ thể, biến chứng thần kinh ngoại vi, rối loạn chuyển hóa lipid. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật cấp cứu cắt tháo chi trái để bảo toàn tính mạng.
ThS.BS. Nguyễn Ngọc Thiện - Phó khoa Chăm sóc bàn chân, người điều trị và phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân chia sẻ: Để cứu tính mạng, cần phải cắt bỏ chi của người bệnh. Với tình trạng trên, phần lớn phải chỉ định cắt cụt đùi. Tuy nhiên do bệnh nhân còn trẻ, với mong muốn giữ tối đa chiều dài của chi cắt cụt để sau phẫu thuật có thể sử dụng chân giả cho bệnh nhân sinh hoạt, lao động và hòa nhập cộng đồng, kíp phẫu thuật đã thảo luận chi tiết trước khi tiến hành quyết định cắt cụt 1/3 giữa cẳng chân cho bệnh nhận Q.
Với chỉ định cắt cụt cẳng chân, việc chăm sóc mỏm cụt cẳng chân sau phẫu thuật sẽ khó khăn cho việc liền vết thương mỏm cụt. Đồng thời, tình trạng biến chứng nặng nguy cơ rủi ro cao trong và sau quá trình phẫu thuật có thể sẽ xảy ra.
BS. Thiện cho biết, biến chứng bàn chân do ĐTĐ để lại hậu quả vô cùng nặng nề đối với người bệnh và xã hội. Cắt cụt chi là biện pháp cuối cùng để ngăn vùng hoại tử ở chân mở rộng, nhằm đảm bảo tính mạng cho người bệnh. Các vùng hoại tử này thường bắt nguồn từ các vết loét, nhiễm trùng bàn chân hoặc tắc mạch chân nhưng không được điều trị kịp thời.
Kiểm soát chế độ ăn uống
ThS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Mai - Khoa Điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo người bệnh ĐTĐ, để đạt được mục tiêu cần tuân thủ các chế độ điều trị: Chế độ sử dụng thuốc, chế độ ăn uống, thay đổi thói quen sống, kiểm soát đường huyết, khám sức khỏe định kỳ.
Trong đó, việc tuân thủ phác đồ điều trị là chìa khóa vàng để kiểm soát chặt chẽ tình trạng sống chung với bệnh. Trong điều trị ĐTĐ lâu dài, hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào ý thức hợp tác tự quản lý của người bệnh.
“Người bệnh ĐTĐ có cuộc sống khỏe mạnh nếu duy trì được lối sống khoa học, uống thuốc đều đặn, đặc biệt là biết lắng nghe cơ thể mình một cách cẩn trọng. Ngược lại, sẽ dẫn tới nguy cơ mắc các biến chứng sớm, nguy hiểm đến tính mạng nếu như không tuân thủ các chế độ điều trị” - BS. Mai chia sẻ.
Còn BS. Dương Ngọc Vân - Bệnh viện đa khoa Medlatec khuyến cáo, hiện nay vẫn chưa tìm ra cách phòng tránh bệnh tiểu đường tuýp 1. Tuy nhiên người bệnh có thể hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển thành ĐTĐ tuýp 2 bằng việc thay đổi kế hoạch ăn uống và tập luyện một cách khoa học hơn. Đối với thói quen ăn uống, bệnh nhân cần cắt giảm lượng tinh bột, đường, chất ngọt trong thực phẩm và thay bằng chất đạm có trong cá, trứng, thịt, chất xơ và vitamin trong trái cây, rau củ; Tăng cường ăn nhiều cá hơn, tối thiểu nên ăn 2 bữa/tuần; Hạn chế muối, bánh kẹo và nước ngọt có gas; Không nên ăn nhiều nội tạng và mỡ động vật; Từ bỏ thói quen hút thuốc lá và sử dụng rượu bia; Ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên cám. Ăn ít cơm trắng và khi ăn nên nhai kỹ, chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày.
Những người có nguy cơ mắc đái tháo đường do di truyền có thể giảm nguy cơ bằng cách tập trung vào một chế độ ăn uống chất lượng với các loại thực phẩm và chất dinh dưỡng, đặc biệt là trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, rau (trừ khoai tây), các loại hạt và đậu, axit béo không bão hòa trong các loại thực phẩm như cá và quả óc chó.