Cũng như nhiều lĩnh vực nghệ thuật, ngành điện ảnh gần như phải “đóng băng” các hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng thông qua công nghệ, xu hướng sản xuất các bộ phim ngắn đăng tải trên các mạng xã hội đang là một hướng tiếp cận mới tới khán giả. Xung quanh vấn đề này, nhà sản xuất phim Nguyễn Quang Minh đã có cuộc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết.
Theo nhà sản xuất Nguyễn Quang Minh, nếu như mọi năm thị trường làm phim diễn ra rất sôi nổi thì năm nay có sự xuất hiện của dịch bệnh khiến cho mọi thứ bị ngưng trệ lại. Ảnh hưởng đầu tiên với ngành điện ảnh, đặc biệt là các đơn vị tư nhân chính là vấn đề kinh phí khi các doanh nghiệp, thương hiệu, nhãn hàng... đều rơi vào thời kỳ khủng hoảng kéo theo một loạt những dự án được tài trợ cũng bị ảnh hưởng theo. Không có kinh phí thì phim sẽ không thể bấm máy, đó là khó khăn đầu tiên.
PV: Một xu hướng mới điện ảnh hiện nay là áp dụng công nghệ vào trong các tác phẩm, trong đó mô hình webdrama. Là một trong những đơn vị tiên phong, anh có thể chia sẻ về cách làm này?
Nhà sản xuất Nguyễn Quang Minh: Có thể khẳng định đến thời điểm này chúng tôi là đơn vị đầu tiên sản xuất webdrama tại thị trường phía Bắc. Cách đây gần 3 năm khi thị trường phía Bắc còn chưa có khái niệm gì về webdrama thì chúng tôi đã ra mắt bộ phim về giáo dục giới tính đầu tiên mang tên “500 nhịp yêu” và mở màn cho phong trào này tại thị trường phía Bắc.
Nhưng trên thực tế, hiện nay nhiều đơn vị vẫn chỉ lấy “mác” là webdrama để phục vụ cho việc truyền thông nhưng thực ra về chất lượng nội dung là sitcom như bao năm qua. Tuy cùng đánh vào thị trường nhưng khoảng cách chất lượng giữa 2 thể loại này vô cùng rõ rệt. Bởi để sản xuất một bộ webdrama tiêu chuẩn thì ngoài những yếu tố tuân thủ nghiêm ngặt về cấu trúc kịch bản, thiết bị sản xuất, dàn diễn viên chuyên nghiệp.
Đặc biệt, một yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng của phim đó là kinh phí. Nhưng năm đầy khó khăn cho việc xin tài trợ đã dẫn đến việc nhiều đơn vị lợi dụng từ khóa webdrama để gắn cho những sản phẩm của mình bỏ mặc chất lượng. Chính vì thực trạng này đã dẫn đến webdrama dần dần mất đi giá trị ban đầu của nó.
Hiện tượng “xào”, “đạo” ý tưởng từ các kịch bản nước ngoài đang khá phổ biến ở bộ phim ngắn tại Việt Nam. Dưới góc nhìn của một người làm nghề, anh nghĩ sao về thực trạng này?
- Đối với cá nhân tôi đó là nỗi nhục của những người làm sáng tạo. Người Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể làm được hơn thế rất nhiều nếu như các bạn chịu đầu tư thời gian, chịu khó tư duy. Tất nhiên mỗi một kênh trên mạng xã hội hay mỗi nhà sản xuất đều có những hướng đi và mục đích riêng của họ. Hoặc cũng có những ý tưởng trùng khớp ngẫu nhiên với nhau. Nhưng nhìn chung trên tổng thể thì với mỗi sản phẩm điện ảnh khi làm đều là để mang đến cho khán giả được hưởng thụ không chỉ các giá trị nghệ thuật cũng như bản sắc và lòng tự tôn của dân tộc mình.
Tôi nói vậy không có nghĩa là chúng ta không được học hỏi, thậm chí tôi khuyến khích nên tìm tòi học hỏi hơn nhưng phải biết chắt lọc và phát triển làm sao để chất xám của chúng ta được ghi nhận.
Anh nghĩ sao về xu hướng làm phim “sốc, sex, sến”?
- 3 yếu tố này trong những năm gần đây đã không còn “oanh tạc” thị trường điện ảnh Việt. Nhưng xu hướng này hiện nay vẫn còn và không thể hết triệt để được vì vẫn còn một bộ phận khán giả có nhu cầu xem. Chúng tôi luôn nỗ lực kêu gọi thông qua các sản phẩm “sạch” để khỏa lấp đi những clip “độc hại” vẫn tràn lan trên mạng mà không kiểm soát được.
Mới đây, đơn vị chúng tôi đã cho ra mắt bộ phim “Bắt lấy điều ước” nhưng một thông điệp gửi khán giả về nỗi đau của những đứa trẻ phải ngày ngày lọc máu để duy trì sự sống do căn bệnh tan máu bẩm sinh và nỗi khổ tâm của gia đình các em.
Trong một năm đầy biến động và dịch bệnh, những người khá giả cũng thành khó khăn. Ai cũng đua nhau kiếm tiền cho mình bằng đủ mọi cách, cần phải lo cho cuộc sống riêng của mình. Vậy thì ai sẽ làm những công tác xã hội? Điều kiện của mỗi người mỗi khác, chúng tôi xin góp lời kêu gọi của mình bằng chuyên môn và hành động.
Chúng tôi mong sự lan tỏa của bộ phim có thể tác động tích cực vào công tác hiến máu cho những bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh, và cổ vũ tinh thần cho tất cả bệnh nhi, gia đình của các em. Chỉ cần đi từ những hành động nhỏ, chỉ cần một giọt máu của bạn là rất nhiều bệnh nhi có thể kéo dài thêm sự sống.
Trân trọng cảm ơn anh!