Điểm trúng tuyển kỳ thi vào lớp 10 THPT ở một số địa phương đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi mùa tuyển sinh năm 2020 có những địa phương, thí sinh chỉ cần đạt 0,58 điểm/môn vẫn đỗ lớp 10. Nhiều người băn khoăn, với mức điểm thấp tới đáy như thế có nên bỏ kỳ thi vào lớp 10 hay không?
Có thể thấy sự chênh lệch về điểm trúng tuyển vào lớp 10 ngay trong cùng một địa phương như Hà Nội. Đã nhiều năm qua, điểm chuẩn vào lớp 10 THPT ở khu vực nội thành luôn cao hơn đáng kể so với khu vực ngoại thành.
Đơn cử như theo mức điểm chuẩn năm 2020 mà Sở GDĐT Hà Nội công bố, trong 113 trường THPT công lập, 7 trường có điểm chuẩn từ 40 trở lên, 94 trường từ trên 20 đến 39,75 và 12 trường lấy điểm chuẩn từ 20 trở xuống.
Theo đó, những thí sinh trúng tuyển Trường THPT Chu Văn An với điểm chuẩn 43,25 phải đạt trung bình 8,65 điểm mỗi môn. Trong khi đó, trường THPT Đại Cường (Ứng Hòa) có mức điểm chuẩn chỉ là 12,5; trung bình mỗi môn thí sinh chỉ cần đạt 2,5 là trúng tuyển. Các trường THPT Lưu Hoàng (Ứng Hòa), Minh Quang (Ba Vì), Bất Bạt (Ba Vì) có mức điểm chuẩn 13, thí sinh cũng chỉ cần đạt 2,6 mỗi môn là trúng tuyển…
Năm nay, điểm trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập ở Thanh Hóa khiến nhiều người bất ngờ khi 55/88 trường có mức dưới 20 điểm. Đặc biệt, có những trường điểm chuẩn nằm ở “đáy”, học sinh chỉ đạt trung bình dưới 1 điểm/môn vẫn trúng tuyển đó là Trường THPT Lang Chánh (huyện Lang Chánh). Điểm Toán và Văn nhân hệ số 2. Như vậy, thí sinh chỉ cần đạt trung bình 0,58 điểm/môn đã trúng tuyển vào trường này.
Đặt ra vấn đề có nên tiếp tục tổ chức kỳ thi vào lớp 10, khi mà kết quả trúng tuyển thấp như một số địa phương như vừa qua hay không, chúng tôi đã nhận được những quan điểm trái ngược nhau. Cô Lê Ngọc Hà (giáo viên lớp 9 tại Văn Giang- Hưng Yên) cho rằng, việc đánh giá học sinh qua mỗi kỳ thi là cần thiết. Đây cũng là sự nhìn nhận quá trình dạy và học của cả thầy và trò. Việc thi cử để chọn ra các ứng viên đáp ứng một/ hay nhiều tiêu chí của các nhà tuyển dụng/ của lãnh đạo cơ quan vừa là kỹ năng đỏi hỏi bắt buộc với người lao động, đồng thời cũng là yêu cầu cần thiết với mỗi người sau này khi họ vào đời. Vì thế, theo cô Hà không nên bỏ thi. Điều quan trọng là nhìn nhận xem tiêu chí đầu vào của các trường có dễ dãi quá hay không mà thôi.
Thầy Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng hệ thống Trường Marie Curie (Hà Nội) lại cho rằng chúng ta cần xác định rõ chất lượng các vùng khác nhau thì tuyển sinh theo vùng, miền sẽ khác nhau. Theo thầy Khang, nếu khu vực nào khảo sát chỉ tiêu tuyển sinh vào trường xấp xỉ với số lượng đăng ký vào trường thậm chí số lượng vào trường ít hơn cả chỉ tiêu thì cần gì phải thi nữa. Học sinh đã được xét THCS thì đón các em vào học dựa theo học bạ.
Trên thực tế, chưa khi nào nguồn tuyển của các trường nghề lại dồi dào như hiện nay, khi mà mỗi năm ngay tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ hơn 60% học sinh THCS có cơ hội vào học lớp 10 công lập. Còn theo thông tin từ Bộ GDĐT, trong vòng 2 mùa tuyển sinh gần đây, năm 2019 có 279.001 thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, mà không đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm khoảng 27,8%); năm 2020 có hơn 255 nghìn thí sinh từ bỏ “cuộc đua” ĐH-CĐ, họ dự thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp.
Những số liệu thống kê ở trên cho thấy đây là cơ hội tốt để các trường nghề mở rộng đối tượng tuyển sinh; đồng thời là giải pháp đột phá, thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển. Song để tận dụng cơ hội này, các bên liên quan cần chủ động nhập cuộc, chứ không nên thụ động chờ người học.
Theo đại diện Sở LĐTBXH Hà Nội: Đối tượng tuyển sinh của mô hình đào tạo nghề 9+ (học sinh tốt nghiệp THCS) là các em 15-16 tuổi, độ tuổi vẫn phụ thuộc nhiều vào định hướng của phụ huynh. Ngoài ra, công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chưa được các ngành, địa phương quan tâm đúng mức.
Do đó, Sở LĐTBXH Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng tăng chỉ tiêu phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào các cơ sở GDNN; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong quá trình tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề...
Để không lãng phí nguồn tuyển, để việc phân luồng học sinh sau THCS đạt hiệu quả, cần sự thay đổi nhận thức trước tiên từ phía phụ huynh. Tránh tình trạng như vừa qua ở một số địa phương, khi giáo viên dạy lớp 9 định hướng, tư vấn và khuyên một số em (tất nhiên là học lực kém) nên làm hồ sơ vào học các trường nghề, không ít gia đình đã có những phản ứng tiêu cực, thậm chí thái quá khi cho rằng giáo viên đã “ép” học sinh không được thi vào lớp 10…