Không dễ phục dựng múa cổ Thăng Long

Hương Lê 07/10/2015 05:56

Nhiều nhà nghiên cứu có chung quan điểm rằng, tuy chưa thể khôi phục hoàn hảo các điệu múa cổ, nhưng ít nhất, hãy bảo tồn những chất liệu nguyên bản để cho đời sau tiếp tục sự nghiệp này.     

Không dễ phục dựng múa cổ Thăng Long

Một tiết mục múa Rồng. (Ảnh tư liệu).

Bắt tay thực hiện công trình sưu tầm, nghiên cứu các điệu múa cổ đất Thăng Long từ năm 2000, đến nay tròn 15 năm, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã sưu tầm được hơn 50 điệu múa – đã liệt kê trong một cuốn sách sắp xuất bản tới đây. Nhưng liệu có phục dựng được những điệu múa cổ ấy không, thật khó có thể trả lời ngay.

Chắt lọc tinh hoa

Sau khi Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tổ chức nghiệm thu công trình nghiên cứu “Múa cổ Thăng Long- Hà Nội”, ngày 6-10, một Hội thảo khoa học đánh giá lại quá trình 15 năm sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng những điệu múa cổ truyền Thăng Long cũng đã được Hội tổ chức. Dẫu vậy, theo nhà nghiên cứu phê bình múa Thái Phiên, trong danh mục các điệu múa đã được sưu tầm, có rất nhiều điệu múa không phải của riêng vùng đất Hà Nội, mà có thể chỉ là được lưu truyền ở Hà Nội.

Tức là múa cổ có gốc ở những địa phương khác truyền về. Chẳng hạn như múa Hầu đồng có xuất xứ từ Hội Phủ Giầy - Nam Định; hoặc các điệu múa dân tộc Mường, Dao… thì phải kể đến nguyên gốc từ vùng đất Mường - Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ… Còn múa có xuất xứ Thăng Long - Hà Nội thực ra không nhiều.

Đó là những điệu múa gắn liền với cái tên của các địa phương như múa múa Rồng (Thanh Trì), múa Rắn lột (Việt Hưng - Long Biên), múa Giảo Long (Lệ Mật- Gia Lâm), múa Trống Bồng (Triều Khúc, Nhật Tân), múa Trống Hội (Thường Tín), múa Bài Bông (Thường Tín)…

Vậy căn cứ vào đâu để sưu tầm múa cổ và bảo đó là múa cổ truyền của Hà Nội? Nhà nghiên cứu Thái Phiên rất băn khoăn, ông đơn cử một ví dụ khi từng đi thẩm tra tư liệu viết sách Múa cổ ở làng Chử Xá (Gia Lâm), được nghe kể Múa Giảo Long được một cán bộ múa phong trào dàn dựng lại. Việc chỉnh lý, cải biên lại cho múa dễ xem hơn tất nhiên cũng có thể chấp nhận được, song theo ông không thể cứ áp đặt đó là múa cổ được.

Trên thực tế không ít các điệu múa chỉ là những trò diễn, là những hình thức trong lễ hội thì chưa nên khẳng định đó là những điệu múa cổ độc lập. Theo góc nhìn này thì Hiệu Chiêng, Hiệu Trống trong Lễ hội Phù Đổng; Hát Mo, Hát Mỡi của dân tộc Mường cũng chưa thể gọi đó là điệu múa hoàn chỉnh. Và do đó, nếu nói Hà Nội có tới 50 điệu múa cổ truyền thì chưa chuẩn lắm.

Tương tự, NSND Ứng Duy Thịnh cũng cho rằng, việc nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là múa cổ của người xưa để lại, không những chỉ bằng cảm xúc của người nghệ sĩ mà phải bằng một phương pháp khoa học. Múa cổ của Hà Nội là múa của người xưa, nhưng chính xác vào thời gian nào cũng rất cần sự cẩn trọng.

Nhìn vào một số điệu múa cổ của Hà Nội không khó khăn lắm để người ngoại đạo cũng có thể nhận biết được có những chi tiết đã có bàn tay biên đạo của thời hiện đại can thiệp vào. Vì thế yếu tố cổ và chưa thật cổ cũng như những tác động của thẩm mỹ hiện đại vào chùm múa cổ Hà Nội vẫn cần được nghiên cứu và phân tích kỹ hơn nữa.

Nguy cơ thất truyền cao

Bà Lê Hồng Thắng - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, người tham gia sưu tầm, gìn giữ những điệu múa cổ truyền Thăng Long từ rất sớm cho hay, nguy cơ thất truyền múa cổ là có thực. Đơn cử như việc nhóm nghiên cứu đi khai thác điệu múa Đèn tại chùa Hai Bà Trưng (từ năm 2007), nhưng nghệ nhân truyền dạy múa Đèn đã không còn sinh sống ở Hà Nội, mà đã chuyển vào Nam.

Rồi việc phục dựng điệu múa Chén - xưa kia đã từng có ở khu vực Thanh Xuân vào dịp Lễ hội 5 làng Mọc gồm Quan Nhân, Cự Chính, Cự Lộc, Phùng Khoang và Giáp Nhất, cũng trong tình trạng khó khăn tương tự.

Trong khi Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tha thiết khai thác, nhưng chính quyền không nhiệt tình lắm. Lãnh đạo địa phương nơi có điệu múa Chén cổ cho hay, từ năm 1945 đến nay ở làng không còn ai múa điệu này nên không thể tìm được người truyền dựng lại. Vì thế đã qua nhiều năm tổ chức hội làng, nhưng ở cả 5 làng nói trên đều vắng bóng điệu múa Đèn một thời. Thật lấy làm tiếc.

Trường hợp vũ điệu Trống bồng Nhật Tân ở làng hoa Nhật Tân lại khác. Dù trong quá trình đi khai thác, phục dựng, những chuyên gia nghiên cứu múa cổ gặp nhiều thuận lợi, có nghệ nhân tư vấn giúp đỡ, được chính quyền địa phương ủng hộ. Dẫu vậy từ sau Liên hoan múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội tổ chức năm 2007 đến nay, người làng cho hay điệu múa này đã không hề một lần nào được tái hiện ở hội đình làng nữa.

Chưa kể, những nghệ nhân gìn giữ, trao truyền múa cổ lay lắt như ngọn đèn trước gió. Nếu chỉ sưu tầm để đó mà không mau chóng khai thác, phục dựng lại cũng phỏng có ích gì.

Bà Lê Hồng Thắng minh chứng trường hợp của nghệ nhân truyền dạy Bùi Thị Ga - múa múa Bài Bông. Chỉ sau 1 năm Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội về gặp chính quyền địa phương xem múa Bài Bông đặt vấn đề nghiên cứu phục dựng, thì năm sau cụ đã ra đi. Hay vũ công Hoàng Kỳ, người duy nhất của Giáo phường ca Trù Lỗ Khê (Đông Anh - Hà Nội), người đã giúp Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội phục dựng điệu múa Tiên - Giáng mừng, múa Bỏ bộ, múa Tứ linh để bổ sung vào danh mục các vũ điệu tham gia Liên hoan múa cổ truyền Hà Nội lần thứ 3- 2009, cũng vừa mới ra đi, bỏ lại lời hứa giúp Hội phục dựng lại múa Bài Bông cổ nhất theo cách hiểu và nhớ của cụ…

“Hãy hình dung thế này, chỉ cần 5, 10 năm nữa thôi khi những chất liệu rơi rớt cuối cùng theo các cụ ông, cụ bà ở các làng quê Hà Nội về với tổ tiên cũng là lúc những chất liệu cuối cùng của các điệu múa cổ mất đi. Chúng ta sẽ vình viễn không thể khôi phục được những di sản văn hóa vô giá ấy…” - bà Thắng đau đáu.

Còn NSƯT Như Bình cũng tha thiết đề nghị, việc cần làm trước mắt là gấp rút tập trung đầu tư phục dựng các điệu múa Lục cúng - yếu tố tâm linh, Phật giáo; múa Rồng - biểu hiện cao đẹp của múa Thăng Long - Hà Nội xưa. Và hơn bao giờ hết nên sớm phục dựng múa cổ truyền Thăng Long thành thương hiệu, trước khi các nghệ nhân lần lượt ra đi.

Tại hội thảo hôm qua (6/10), tuy đánh giá việc sưu tầm nghiên cứu múa cổ truyền Thăng Long đây là một công trình nghiên cứu công phu, tâm huyết, nhưng nhiều chuyên gia ở lĩnh vực này cũng bày tỏ lo lắng về nguy cơ mai một đang hiện hữu của múa cổ truyền, khi đa phần nghệ nhân dân gian đều đã ở tuổi 80, 90. Và nhiều nhà nghiên cứu có chung quan điểm rằng, tuy chưa thể khôi phục hoàn hảo các điệu múa cổ, nhưng ít nhất, hãy bảo tồn những chất liệu nguyên bản để cho đời sau tiếp tục sự nghiệp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không dễ phục dựng múa cổ Thăng Long