Sự nguy hiểm của việc đốt củi, than tổ ong để sưởi ấm đã được cảnh báo trong nhiều năm qua. Thế nhưng có không ít người dân, các hộ gia đình vẫn dùng cách sưởi ấm này khiến nhiều trường hợp bị ngạt thở, bị ngất dẫn tới hôn mê, thậm chí chết người vì hít phải quá nhiều khí độc CO.
Ngày 20/12, chính quyền xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, huyện Hà Giang thông tin tại thôn Sủa Pả A xảy ra trường hợp 2 đứa trẻ bị ngạt khí. Nạn nhân trong vụ việc trên là cháu Vàng Thị Ngọc T. (11 tuổi) và cháu Vàng Minh Đ. (9 tuổi).
Ông Vàng Dính Pó (bố 2 cháu) cho biết, trước đó, vào khoảng 22h30 ngày 17/12, gia đình có đặt chậu than trong phòng ngủ riêng của 2 cháu T. và Đ. để sưởi ấm do thời tiết quá lạnh. Đến sáng ngày hôm sau, gia đình phát hiện cháu T. đã tử vong. Còn cháu Đ. được gia đình đưa đi Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Yên Minh cấp cứu. Hiện cháu Đ. đã bình phục và được gia đình đưa về nhà.
Đây không phải trường hợp đầu tiên ngộ độc khí than do sưởi ấm ngày rét. Ngày 3/12, tại địa phận xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã xảy ra vụ ngộ độc khí than thương tâm làm 2 người trong cùng gia đình tử vong và 2 người nguy kịch.
Theo đó, ngày 2/12, gia đình chị Trần Thị Thúy L. (31 tuổi) tổ chức đầy tháng cho con. Đêm đó, do trời chuyển rét nên chị Loan đã đốt than để sưởi ấm. Thế nhưng, sáng hôm sau, người nhà thấy chị dậy muộn đến gõ cửa, thì tá hỏa phát hiện 2 người con của chị Loan là cháu D.T.H.T. 9 tuổi và D.Đ.H. 4 tuổi đã chết do ngạt khí than. Chị Loan cùng con mới đẻ bị hôn mê sâu phải đi cấp cứu.
Một trường hợp khác, ngày 17/11/2020 trên địa bàn xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cũng xảy ra một vụ việc tương tự. Một gia đình 4 người, gồm bà M.T.H. (54 tuổi), anh B.V.C. (25 tuổi), chị B.T.V. (24 tuổi, vợ anh C.) và cháu bé con chị V. mới 2 ngày tuổi bị ngộ độc khí than phải nhập viện.
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, Trung tâm Chống độc đang điều trị 1 bệnh nhân ngộ độc khí CO rất nặng, có tổn thương não do dùng than sưởi ấm.
TS. Nguyên cho biết, do khí CO không màu, không mùi nên rất khó nhận biết. Khí CO rất độc, dễ gây tổn thương não và tử vong nhanh chóng nếu nồng độ đậm đặc. Nếu đốt than ở phòng càng kín thì nguy cơ ngộ độc khí CO càng tăng, quá trình nhiễm độc khí xảy ra rất nhanh.
Theo Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần trang bị các thiết bị sưởi ấm an toàn như lò sưởi, máy sưởi. Tuy nhiên, ở những vùng kinh tế khó khăn chưa trang bị được các loại máy móc hiện đại, người dân cũng không nên sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín.
Nếu thời tiết quá lạnh, buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng. Người dân cần tắt lửa triệt để khi không sử dụng.
Trong trường hợp phát hiện có nạn nhân bị ngộ độc khí than, người nhà cần khẩn trương làm thông thoáng không khí bằng cách mở rộng cửa. Trước khi đi vào vùng nhiễm độc, cần mang khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải thổi ngạt ngay bằng hô hấp nhân tạo và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Cục Quản lý môi trường cũng nhấn mạnh, vào mùa lạnh, người dân thường gặp phải một số vấn đề sức khỏe như cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cúm, đột quỵ... do đó, người dân, đặc biệt là người già và trẻ em cần hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, nhất là trong khoảng thời gian từ 9h đêm đến 6h sáng. Khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa...
Người dân miền núi không nên uống rượu bia vào mùa lạnh, vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột qụy, tử vong. Khi thời tiết trở lạnh, người dân cũng không nên tắm sau 22h, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng.