Ngày 14-2, Chính phủ ra Nghị định (số 21/2015/NĐ-CP) Quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15- 4. Đối tượng áp dụng với tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.
Theo đó, nhuận bút đối với tác phẩm điện ảnh (phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim phóng sự, phim hoạt hình), không phân biệt vật liệu ghi hình, căn cứ vào thể loại, chất lượng, được trả cho các chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh theo tỷ lệ phần trăm (%) của chi phí sản xuất được duyệt như sau: Đối với phim truyện, Biên kịch 2,25 - 2,75, Đạo diễn 2,50 - 3,00… Phim tài liệu, phim khoa học thì biên kịch, và đạo diễn đều hưởng tỷ lệ phần trăm như nhau là 4,21 - 5,50… Nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm sân khấu thuộc các loại hình tuồng chèo, cải lương, kịch nói, kịch thơ, kịch dân ca, kịch câm, kịch hình thể và múa rối, căn cứ vào quy mô, chất lượng được trả cho các chức danh sáng tạo tác phẩm được tình dựa vào mức lương cơ sở. Cụ thể với vở vừa (từ 46 đến 105 phút) biên kịch được trả 41,4 - 123,4; đạo diễn được trả 27,6 - 82,3…
Sau khi nghị định ra đời, đa số nghệ sĩ cho rằng, quy định trả thù lao như thế dù có tăng hơn so với trước, nhưng so với thực tế thì mức thù lao này vẫn còn rất thấp, không đủ sống. Bởi lẽ, theo quy chế này mà quy chiếu vào thực tế thì thù lao của nghệ sĩ chỉ từ 500.000 đồngđến vài triệu bạc cho một suất diễn. Bà Lê Mỹ Phượng - Chánh văn phòng Hội Sân khấu TP.HCM cho biết: “Với quy định như trên thì một diễn viên chính chỉ có thể được nhận khoảng 300.000 - 500.000 đồng/ đêm diễn, thậm chí diễn viên phụ thì chỉ có mấy chục ngàn đồng/đêm, không đủ sống. Và do kinh phí Nhà nước cấp rất hạn hẹp nên để có tiền dựng vở, Nhà hát Kịch 5B (thuộc quản lý của Hội Sân khấu TP.HCM) phải huy động vốn từ các mạnh thường quân để có tiền trả thêm thù lao cho anh em nghệ sĩ. Có những vở diễn theo kiểu tuyên truyền, phải đi diễn nhiều nơi, nguồn tài trợ của mạnh thường quân vẫn không đủ nên chúng tôi còn nợ cát sê nghệ sĩ”. Thực tế cho thấy, do quy định của Nhà nước về chế độ thù lao như thế nên dù có cơ chế xã hội hóa hoặc khuyến khích nghệ sĩ tự đầu tư kinh phí cho vở diễn, thì thù lao và doanh thu cũng không cao. Nhiều nghệ sĩ than lỗ khi bỏ tiền đầu tư vào vở diễn.
Để giúp cải thiện thu nhập cho “quân” của mình, “bà bầu” Hồng Vân đã mạnh dạn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, tự tìm tài trợ, vận động các mạnh thường quân để có 30 suất diễn tại 15 trường trung học và 15 trường tiểu học. Cát-sê diễn viên cũng chỉ 150.000 đồng/người.
Tại một số điểm sân khấu ở TP. HCM, diễn viên ngôi sao nhận thù lao chưa đến 1 triệu đồng/đêm, diễn viên trẻ thì nhận từ 150.000-300.000 đồng/suất. Nghệ sĩ Cát Phượng cho biết, khi chị bỏ tiền dựng vở “Chưa yêu sao hiểu được”, cát-sê của NSND Ngọc Giàu cao nhất cũng chỉ 1,1 triệu đồng. Có suất chị phải bù lỗ! Đến nay, chị vẫn chưa lấy lại đủ số vốn đầu tư hơn 700 triệu đồng. Để nghệ thuật phát triển thì còn cần nhiều yếu tố. Nhưng với chế độ thù lao theo quy định trên từ Nhà nước, theo nhiều nghệ sĩ, sẽ là lực cản cho nghệ sĩ cống hiến với nghệ thuật, từ đó vô tình trở thành một trong những lực cản cho nghệ thuật phát triển.
Nhận thấy những hạn chế của quy chế này, ngày 18-3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ VHTT&DL, Văn phòng Chính phủ phối hợp thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định để tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng, đảm bảo Nghị định 21 vừa được ban hành, thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ. Từ đó khuyến khích, tôn vinh tính sáng tạo nghệ thuật để nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Thế nhưng, cho đến nay tình hình trên vẫn chưa có chuyển biến gì.