Các quầy hàng Tết đã được dựng lên ở nhiều tuyến phố Hà Nội để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. Siêu thị đã tăng lượng quầy thu ngân, cũng như kéo dài thời gian mở cửa để phục vụ khách hàng. Hiện lượng khách đến mua sắm tăng vọt.
Hàng Tết bày bán tại siêu thị.
Chị Nguyễn Hoài Anh ( tòa nhà HH2 – Bắc Hà) nói, tranh thủ mỗi ngày mua sắm một ít để đến gần Tết không phải chen chúc nhau, xếp hàng chờ thanh toán. Các siêu thị đã xếp bánh kẹo, trà, nước giải khát thành những các khu riêng, để khách hàng dễ lựa chọn.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho biết, các đơn vị thuộc Hapro đã dự trữ lượng hàng hóa phục vụ Tết Bính Thân 2016 tăng khoảng 5% so với Tết năm trước, tập trung vào các mặt hàng truyền thống và thiết yếu như giò, chả, bánh chưng, gà ta, thịt gia súc, gạo đặc sản, dầu ăn, nước mắm, rượu, bia... Hapro cũng sẽ tổ chức 70 điểm bán hàng Tết bình ổn giá trong hệ thống bán lẻ tại Hà Nội, từ ngày 4/1 đến 23/2.
Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long thì hệ thống siêu thị Big C cũng đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ khá phong phú, với lượng hàng trị giá khoảng 500 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Cùng với đó, siêu thị liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi giảm giá, tăng cường dịch vụ hỗ trợ như giao hàng miễn phí, mua hàng trả góp.
Đặc biệt, Big C sẽ tiếp tục triển khai cam kết “khóa giá” từ ngày 15/2/2015 đến 7/2/2016, không đổi giá đối với tất cả mặt hàng tiêu dùng nhanh (trừ các mặt hàng rau quả, thực phẩm tươi sống, đông lạnh, bia rượu, sữa,…) và tất cả các sản phẩm vải sợi, điện máy, đồ gia dụng.
Cũng để kích thích nhu cầu mua sắm, các siêu thị lại đang tung ra nhiều chương trình khuyến mãi. Đối với Co.opmart, khách hàng sẽ được tích điểm khi mua sắm. Trong khi đó, BigC vừa giảm giá, khuyến mãi nhiều mặt hàng, lại vừa áp dụng mua hàng giảm giá mạnh dựa trên hóa đơn.
Theo các chuyên gia, định lượng sức mua dịp Tết này vẫn phụ thuộc khá nhiều việc tăng cơ học như: tăng do người dân đổ về Hà Nội sắm Tết, hay người dân Hà Nội đi du lịch dịp Tết nhiều, không mua sắm đáng kể. Còn nhu cầu thực sự sẽ khó tăng đột biến, bởi với mức thưởng Tết trung bình được công bố như năm nay, khoảng 1 tháng lương thì sức mua sẽ không cao.
Để không xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá dịp Tết Bính Thân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã có có chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên các địa bàn; theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân.
Bộ trưởng cũng yêu cầu triển khai bình ổn thị trường, giá cả phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt gây tăng giá đột biến, cục bộ. Việc kiểm tra, thanh tra chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí sẽ được tăng cường, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như nước sạch sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc phòng và chữa bệnh,...