Mới chỉ khảo sát tại 8 tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã phát hiện tới gần 100 thiết bị y tế trị giá lên tới 140 tỷ đồng, nhưng không dùng tới hoặc dùng ít dẫn tới hư hỏng. Có thiết bị 1 năm dùng một lần, có thiết bị tới 3 năm không dùng, thậm chí có thiết bị còn chưa có phòng để đặt máy vì chưa có nhu cầu sử dụng. Việc thừa giấy vẽ voi gây tốn kém, lãng phí ngân sách này khiến dư luận vô cùng bức xúc. Mới có 1/8 số tỉnh, thành phố đã lãng phí như vậy, thử hỏi nếu kiểm tra toàn quốc thì con số sẽ là bao nhiêu?
Thật xót xa khi những thiết bị y tế đắt tiền (đều nhập khẩu từ Anh, Mỹ, Nhật Bản...) như máy X-quang cao tần, máy X-quang răng kỹ thuật số, bộ nội soi khớp kèm dụng cụ, monitor theo dõi bệnh nhân 5 thông số, máy in ảnh dùng kết nối với bộ nội soi... lại bỏ không lãng phí, hoặc nếu có sử dụng cũng rất ít bởi chưa có nhu cầu. Đau ở chỗ, số tiền 140 tỷ đồng dùng để mua 99 thiết bị y tế (mà hầu hết trong số đó đang “đắp chiếu”) là lấy từ nguồn vốn ngân sách, vốn ODA...
Dư luận làm sao có thể không bức xúc khi mà ngân sách nhà nước ở cả Trung ương và địa phương còn eo hẹp, nhiều công trình phúc lợi công cộng còn chưa được đầu tư kinh phí, hạ tầng giao thông nhiều nơi còn dang dở vì thiếu vốn... vậy mà các địa phương lại mua sắm thiết bị y tế một cách vô tội vạ gây thất thoát, lãng phí. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Tại sao không có nhu cầu, hoặc chưa có nhu cầu lại vẫn bỏ tiền ra mua những thiết bị y tế đắt tiền để rồi mang về... đắp chiếu?
Trăm dâu đổ đầu tằm, dù các địa phương có dùng vốn ODA mua sắm trang thiết bị y tế gây thất thoát lãng phí, rốt cuộc vẫn là ngân sách nhà nước phải gánh chịu. Vậy nên đừng bao giờ cố “cãi” rằng không tiêu xài hoang phí tiền thuế của dân. Nói là hoang phí không hề oan cho các địa phương, bởi những thiết bị y tế đắt tiền nhập khẩu về gần như không sử dụng, hoặc sử dụng ít dẫn đến hư hỏng. Nếu những loại máy móc đó thực sự cần thiết cho công tác khám chữa bệnh thì chắc có lẽ chẳng ai dám nói nửa lời.
Tất nhiên, cũng giống như câu chuyện mua máy xét nghiệm Covid-19 (Realtime PCR), sẽ có nhiều địa phương lại đưa ra hàng “tỷ lý do” để bao biện. Rằng chưa có nhu cầu chứ không phải là không có nhu cầu, chưa dùng nhưng sẽ có lúc dùng tới... nên cần phải “trang bị sẵn” những thiết bị y tế đó. Xin thưa ngay rằng, ở thời đại này chỉ sợ thiếu tiền chứ không sợ thiếu trang thiết bị máy móc. Khi các địa phương phát sinh nhu cầu sử dụng bất cứ thiết bị y tế nào, thì việc mua máy chỉ là “phút mốt”.
Nói như vậy để thấy rằng, các địa phương cần nhìn thẳng vào sự thật là đã buông lỏng quản lý, mua sắm vô tội vạ gây thất thoát lãng phí ngân sách. Đừng cố bao biện bằng bất cứ lý do gì, bởi càng lý giải khiên cưỡng càng khiến dư luận thêm bức xúc, mất niềm tin vào các cơ quan nhà nước. Hãy thực sự cầu thị, sai thì sửa, thậm chí có thể bị kỷ luật, có thể bị mất chức, nhưng không hổ thẹn với lương tâm của mình. Còn hơn cố “cãi chày, cãi cối” để đến lúc cơ quan công an vào cuộc thì sẽ… nguy to!