Khoảng hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Theo Sở Công thương TP Hà Nội, hiện Sở đã chuẩn bị sẵn sàng các mặt hàng nông sản, thực phẩm đa dạng phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết.
Hàng hóa dồi dào đón Tết.
Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, ước tính, tổng giá trị hàng hóa đưa ra thị trường trong dịp này khoảng 28.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với năm 2018); trong đó các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng giò chả, nông sản chế biến… là khoảng 2.200 tỷ đồng, được bán ở 454 chợ, 22 trung tâm thương mại và 124 siêu thị. Đây là hệ thống chính cung cấp hàng hóa những ngày tới.
Qua khảo sát, có thể thấy, tại các chợ trên địa bàn TP Hà Nội, hàng hóa đã được đưa vào các chợ dồi dào. Mặc dù giá một số sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, thịt lợn có tăng một chút song cũng không biến động nhiều. Khảo sát tại chợ đầu mối Hà Vĩ cho thấy, giá gà tại chợ này tăng khoảng 5 đến 10%. Đối với sản phẩm thịt lợn, theo nhận định của các DN chăn nuôi, với sự tham gia điều tiết giá của một số nhà sản xuất quy mô lớn, giá thịt lợn hơi dịp Tết 2019 không biến động nhiều. Dự báo, giá thịt lợn hơi trong dịp Tết Nguyên đán chỉ xoay quanh mức 45.000 - 50.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Xuân Dương- Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm nay nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi khá dồi dào, do đó không lo tình trạng sốt giá.
Đối với TP Hồ Chí Minh, nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết này cũng rất dồi dào. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và các chợ truyền thống đã có đầy đủ các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán cho người dân. Theo Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã chuẩn bị gần 150 nghìn tấn hàng hóa trị giá hơn 3.000 tỷ đồng. Theo dự báo của Saigon Co.op, sức mua năm nay sẽ tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Báo cáo từ các địa phương cho hay, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp (DN) ước tăng khoảng 20-25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các DN tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm 2018. Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Năm nay, các DN tiếp tục chú trọng cải thiện mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm hàng hóa phục vụ Tết. Hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong hàng hóa phục vụ Tết và chiếm 100% trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các DN tham gia Chương trình bình ổn tại các địa phương.
Cũng theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các địa phương cũng luôn quan tâm tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN tổ chức các điểm bán hàng Tết, các Hội chợ, phiên chợ Tết, kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp… Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, nguồn cung hàng hóa đã và đang được các địa phương chuẩn bị chu đáo nên sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết, Bộ Công thương đã sớm ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Bộ Công thương chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan lên kế hoạch cụ thể và triển khai các hoạt động chuẩn bị hàng hóa, các chương trình phục vụ Tết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ với giá bình ổn nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm. |