Đó là câu kết những dòng thơ của nữ sĩ Xô Viết Olga Bergoltz, được khắc trên tấm Bảng tưởng niệm bằng đá cẩm thạch dựng tại Nghĩa trang Piskariovskoie ở Thành phố-Anh hùng Leningrad (nay lấy lại tên sáng lập năm 1703 là Saint-Peterburg), nơi chôn cất hơn nửa triệu quân dân Xô Viết đã hy sinh vì bom đạn và đói khát trong cuộc vây hãm 900 ngày đêm của quân phát xít Đức. Câu thơ đã trở thành châm ngôn được tạc vào đá, khắc vào đồng ở khắp các nghĩa trang liệt sĩ trên đất nước Xô Viết, nhắc nhở nhữn
L.N.T (trái) - sinh viên lớp N68 - thương binh ở Thành cổ Quảng Trị.
Nhân Ngày 30 tháng Tư, tôi đã mượn câu thơ - châm ngôn này đưa lên trang mạng xã hội để nhắc nhở thày trò Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội tưởng nhớ đến những sinh viên của Trường đã hy sinh trong cuộc chiến Chống Mỹ cứu nước. Tôi gửi tới tất cả trò tiếng Nga cũ của tôi Danh sách 14 Liệt sĩ từng là sinh viên Khoa tiếng Nga các khóa từ 1966 đến 1970, thông báo với họ rằng đến thời điểm in ấn Lịch sử Đại học Hà Nội (nguyên là Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) vào năm 2009, chúng tôi mới sưu tầm được có vậy, còn thiếu sót rất nhiều.
Tôi khẩn thiết kêu gọi các thầy cô giáo và đồng học của các sinh viên liệt sĩ hãy sưu tầm và gửi cho tôi mọi thông tin và hình ảnh về họ, cũng như về những người đã hy sinh mà nhà trường không nhận được tin tức, để bổ sung vào Lịch sử nhà trường sẽ tái bản nay mai. Nhân hai cuộc gặp mặt kỷ niệm 50 năm tựu trường của hai khóa Nga văn N66 và N67, tôi cũng đã nhắc lại với đương kim Hiệu trưởng, nguyên là sinh viên khóa N74, lời đề nghị dựng bia khắc tên các Sinh viên-Liệt sĩ tại sân trường nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường vào năm 2019 sắp tới. Nếu cần thiết, xin Nhà trường cứ mạnh dạn huy động đóng góp kinh phí của thày trò chúng tôi.
Ý tưởng ấy lập tức nhận được rất nhiều comment ủng hộ của các cựu đồng nghiệp và học trò: “Thật cảm động!”, “Một ý tưởng tuyệt vời!”, “Một kiến nghị đầy tính nhân văn sâu sắc”, ”Chúng em ủng hộ sáng kiến của Thày và sẵn sàng đóng góp” … Và thật đáng mừng, đã có bạn đồng học với LÊ MẠNH QUỲNH gửi cho tôi hình ảnh và những thông tin chính xác về Liệt sĩ-sinh viên đầu tiên này của Trường ĐHNN Hà Nội, mà trong Lịch sử nhà trường chúng tôi chỉ ghi được vỏn vẹn họ tên và niên khóa!
Quỳnh là học sinh Hà Nội, nằm trong số học sinh được tuyển chọn đi học nước ngoài, nhưng do tình hình quốc tế lúc đó không thuận lợi, nên đã ở lại trong nước, trở thành sinh viên khóa Nga văn đầu tiên của ĐHNN Hà Nội - khóa N66. Học hết năm thứ nhất, dịp về quê nghỉ hè, Quỳnh đã tự nguyện xếp bút nghiên, nhập ngũ tại địa phương, đi B vào tháng 7/1967. Anh hy sinh ngày 16/2/1971 trong khi đi trinh sát tại mặt trận Đường 9 - Nam Lào.
Quan trọng hơn và cũng thật cảm động, ngay hôm sau tôi nhận được tin nhắn từ một nickname “Bll-Cs Quảng Trị” với một danh sách Liệt sĩ-sinh viên ĐHNN Hà Nội, viết tay nghệch ngoạc nhưng ghi rõ tên họ, quê quán, ngày nhập ngũ và ngày hy sinh. Tuy nhiên, với việc đưa vào lịch sử nhà trường và khắc bia tưởng niệm, phải cẩn trọng thẩm tra nguồn thông tin. Tôi hồi đáp nickname trên: “Cám ơn tấm lòng và tinh thần trách nhiệm của em đối với các SV Liệt sĩ ĐHNN Hà Nội.
Đến giờ phút này tôi vẫn chưa được biết tên và gương mặt em, người cung cấp thông tin về các Liệt sĩ ĐHNN Hà Nội với bí danh Bll-cs Quảng Trị, nên vẫn phải viết lời cám ơn chân thành này đến người vô danh. Mọi thông tin của em đều sẽ được lưu cẩn thận để thẩm định rồi đưa vào lịch sử nhà trường”. Tức khắc, tôi nhận được 2 phản hồi. Một của em sinh viên Khoa tiếng Nga N.Tr., bị bại liệt từ nhỏ, suốt 4 năm học Đại học được các bạn cõng lên lớp ở tầng 4: “Thưa thày, tên nó là L.N.T., học cùng lớp N68 với em. Chiến đấu từ thành cổ Quảng Trị đến tận dinh Độc Lập, bị thương mấy lần mà vẫn sống. Cứ lọ mọ đi tìm lại đồng đội cũ, người còn sống, người hy sinh, cảm động lắm, thầy ạ!” Cùng lúc đó, L.N.T. tự “trình diện” thày cũ: gửi tấm hình và một tin nhắn chi tiết:
Chân dung Liệt sĩ sinh viên Lê Mạnh Quỳnh (1948 - 1971).
“Đây là em (đứa cao hơn trong ảnh) chụp hôm 30/4/1975 khi vừa đánh xong Dinh Độc Lập và cùng đơn vị áp giải Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng.
“Ngày 6/9/1971 gần 10 ngàn sinh viên của các trường đại học miền Bắc xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện ở sư đoàn 325 SV được chia cho các sư đoàn chủ lực của Bộ như Sư 304, 308, 312, 324, 325 ...đơn vị kỹ thuật A72, B72 và ném vào Quảng Trị. Chiến dịch Xuân-hè 1972, ngày 1/5/72 ta đã giải phóng toàn tỉnh Quảng Trị, khi sang đến Thừa Thiên ( ranh giới là sông Mỹ Chánh), đạn dược, lương thực, quân số bổ sung không kịp đưa vào nên phải lập phòng tuyến tại đây, 2 bên chỉ cách nhau một con sông khoảng 30m. Thiệu hô hào tái chiếm Quảng Trị dưới sự yểm trợ máy bay ném bom, pháo dàn, pháo hạm đội 7....ta hy sinh quá nhiều, chỉ 1 tháng ta đã bị đẩy đến sát Thành Cổ... Đến 15/9/1972 thì mất thành... Đồng đội, bạn bè của em hy sinh cũng rất nhiều. Hiện tại trong Di tích lịch sử Thành Cổ chúng em đã dựng lên Bia chứng tích thờ các Liệt sĩ sinh viên”.
Bia chứng tích thờ các Liệt sĩ-sinh viên? Xuất phát từ đâu mà có tấm bia mang ý nghĩa cao cả này?
Dường như từ đầu cuộc chiến Chống Mỹ cứu nước có chủ trương không động viên giảng viên và sinh viên đại học vào quân đội, bảo tồn cho cuộc kiến quốc hậu chiến: đơn “tình nguyện nhập ngũ” của nhiều thày trò chúng tôi ngày ấy hầu như không được chấp nhận. Nhưng rồi cuộc chiến đã đến hồi quyết liệt nhất, Đảng và Nhà nước ta đã phải dằn lòng ném vào “cối xay thịt” Quảng Trị chỉ trong một đợt tuyển quân 6 / 9 / 1971 đến 10 ngàn sinh viên đại học, một bộ phận vốn quý của dân tộc – tầng lớp trí thức trẻ. Tôi từng nghe nói đến “cả một thế hệ lính tú, lính cử” của quân đội ta.
Cách nay chục năm, tại tòa soạn tạp chí Văn Hiến, trong một cuộc trò chuyện với nhà thơ-nhạc sĩ Thụy Kha, cũng một “lính cử” chiến trường Trị - Thiên 1972, khi tôi nói, đại ý: một nét riêng của thế hệ “lính tú, lính cử” các anh là biết độc lập suy nghĩ khi cầm súng, để rồi sau này phát biểu với hôm nay và mai sau cảm nhận riêng của thế hệ mình về cuộc chiến đã trải qua như Bảo Ninh trong “Nỗi buồn chiến tranh”. Thụy Kha tâm sự: “Vì phải tự ý thức… Chúng tôi phải tự ý thức để không bỏ chạy, trụ lại được và chiến thắng”.
Đây, những dòng ngắn gọn mà sâu sắc ý nghĩa nhân văn cao cả khắc trên Bia chứng tích Liệt sĩ-Sinh viên Thành Cổ Quảng Trị:
Sinh viên - Chiến sĩ Thành Cổ L.N.T. giãi bày thêm với tôi: “Thưa Thầy: Ý tưởng và chủ trì (thực hiện) là "Ban liên lạc Cựu Sinh viên-Chiến sĩ" (trực thuộc Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh). Được khánh thành ngày 16/4/2002… Đài chứng tích có 2 mặt âm và dương. Mặt âm để thờ cúng ... Mặt dương có 11 bức phù điêu thể hiện những hình ảnh từ khi các SV được tiễn đưa,...huấn luyện....đi B qua ga Hàng Cỏ,...vào chiến trường Quảng Trị,...chiến đấu,...bị thương, hy sinh,...về học lại,...thành đạt,...về thắp hương, thăm chiến trường xưa. Em viết sơ qua vậy, Thầy ạ” .
Hàng năm các cựu chiến sĩ-sinh viên Thành Cổ vẫn về đây thắp hương tưởng niệm đồng đội...
Còn tôi, một thày giáo già đã bát tuần, tôi hy vọng sớm được thấy hình ảnh mỗi năm những thế hệ sinh viên mới khi nhập học vào trường sẽ bắt đầu bằng Lễ đặt vòng hoa và dâng hương tại Bia tưởng niệm Liệt sĩ-sinh viên ở ngay tại sân Trường - nơi những người lính cựu sinh viên thế hệ cha anh ra đi vào bất tử.