Đây là đánh giá của các đại biểu tại tọa đàm trực tuyến “Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn 2045”, do Báo Nhân Dân phối hợp với Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH tổ chức.
Theo ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, 10 năm qua, thị trường lao động đã có những bước phát triển mạnh trong nước, thể hiện ở chỗ có những vùng thị trường lao động biến động, phát triển kết nối mạnh mẽ với thị trường lao động quốc tế, như khu vực Đông Nam bộ hay đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn thiếu sự liên thông do chất lượng thông tin về lao động và việc làm chưa cao, thiếu kết nối, hoặc đứt gãy, chưa kịp thời dự báo tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới cung - cầu lao động…
Còn theo bà Ngô Quỳnh An - Đại học Kinh tế Quốc dân, thị trường lao động ở các nước phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng là thị trường phân đoạn, thiếu đồng nhất. Bản chất của việc làm trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay mang tính chất mưu sinh là chủ yếu. Vì vậy, khoảng cách giữa mục tiêu đặt ra là việc làm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển kinh tế - xã hội bền vững còn khoảng cách khá xa.
Đồng quan điểm, đánh giá về những lỗ hổng của thị trường lao động hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng vấn đề cần quan tâm là dịch chuyển của khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Hiện có 56 triệu lao động, mới có 20 triệu lao động trong quan hệ lao động. Đây là số lao động có việc làm ổn định hơn và thu nhập tốt hơn, có sự bảo vệ tốt hơn, có BHXH và BHYT. Tuy nhiên vẫn còn 46 triệu lao động hoàn toàn không có ai bảo hộ.
“Nếu chúng ta không đi đúng định hướng, tạo ra một năng suất lao động mới, cao hơn để hội nhập kinh tế quốc tế, thì chắc chắn sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp” - ông Lợi nói.
Về hai đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” và “Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động” Bộ LĐTBXH đang xây dựng, theo ông Lợi, đây là định hướng đúng và thực chất, vì giải quyết việc làm là mục tiêu của an sinh xã hội, là trụ cột có tính chất phòng ngừa bảo đảm việc làm có thu nhập, giải quyết đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, đề án cũng phải tránh được người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì thế, chúng ta phải nghĩ đến việc đào tạo, đào tạo lại nhằm giữ chỗ cho người lao động để khi chuyển đổi cơ cấu, công nghệ dưới tác động cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động vẫn có cơ hội tìm công việc khác. “Chúng ta đừng coi thị trường lao động như vấn đề xã hội. Đây là vấn đề kinh tế. Chúng ta phải đầu tư xử lý việc làm cho người lao động trên cơ sở phát triển thị trường lao động”, ông Lợi nhấn mạnh.