Những cản trở, tiêu cực trong lĩnh vực hải quan phần nào làm ảnh hưởng đến quá trình xuất nhập khẩu, quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Trao đổi với ĐĐK, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Thủ tục hành chính có thể thay đổi, nhưng người thực hiện thủ tục hành chính vẫn giữ lề lối làm việc như cũ thì cuối cùng chẳng thay đổi được gì nhiều, những thay đổi như vậy chỉ mang tính “trên giấy”.
Ông Nguyễn Trí Hiếu.
PV:Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề hải quan hiện nay?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Đây là vấn đề phức tạp, vì hải quan có nhiều khâu trong đó liên quan nhiều đến quá trình xuất nhập khẩu.
Có nhiều vấn đề khai gian, buôn lậu cho nên phải có sự điều chỉnh mạnh mẽ tránh tiêu cực, khai gian, nhập lậu hàng hóa.
Vấn đề tham nhũng trong hải quan là một hiện tượng phổ biến ở tất cả các quốc gia, còn ở nước ta là vấn đề nghiêm trọng.
Từ hiện tượng đút lót, hàng không được phép đã xâm nhập vào thị trường, làm tăng buôn lậu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nền kinh tế.
Ông nghĩ sao khi dù đã có trên 8,6 triệu tờ khai xử lý trên hệ thống; triển khai cổng thanh toán điện tử; kết nối với 40 hãng hàng không để nắm thông tin hàng hóa nhập khẩu nhưng trong thực tế, doanh nghiệp vẫn e sợ thủ tục hải quan do công chức cán bộ hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó mà làm chậm hồ sơ của mình hoặc hay bắt lỗi nhỏ nhặt của doanh nghiệp để làm khó nên doanh nghiệp phải tự mình bồi dưỡng cho công chức cán bộ hải quan?
- Thủ tục hành chính có thể thay đổi, nhưng người thực hiện thủ tục hành chính vẫn giữ lề lối làm việc như cũ thì cuối cùng chẳng thay đổi được gì nhiều.
Thành ra những thay đổi như vậy chỉ mang tính “giấy trắng mực đen”. Có ý định thay đổi nhưng con người không được huấn luyện lại, tư duy, cách làm không thay đổi thì không thể đem lại hiệu quả tốt. Vì thế cần đào tạo, tái đào tạo lại cán bộ hải quan theo quy trình mới.
Thứ nhất những quy định về hải quan cần phải được xem xét lại một cách toàn bộ để loại trừ những quy định chồng chéo nhau.
Những quy định có tác động ngược với quy định khác. Phải cập nhật những quy định để phù hợp với môi trường kinh tế của Việt Nam và toàn cầu.
Vì chúng ta ngày càng hội nhập, trong khi các nước khác vấn đề hải quan thông thương giữa các quốc tế từ luật lệ, bảo hiểm, vận chuyển ngày càng thay đổi.
Do đó rất nhiều quy định của mình đã lỗi thời. Vì vậy cần xem xét lại các quy trình, quy chế để cập nhật và thay đổi, loại bỏ những quy định chồng chéo nhau, phải biết chấp nhận những cái mới để cho hoạt động kinh tế mang tính chất hiện đại.
Từ các quy định mới thì cần đào tạo lại các cán bộ hải quan từ cấp trên cho đến cấp dưới để theo quy trình mới. Hai khâu đó phải gắn liền với nhau.
Nghĩa là xem xét lại các quy trình cho cập nhật với tình hình thực tế, gắn với đào tạo lại đội ngũ.
Dù đã cắt bớt các thủ tục song nhiều ý kiến cho rằng, nhiều quy định của ta vẫn rườm rà khó hiểu, khiến cán bộ hải quan giải quyết công việc nhiều khi vin vào đó để gây cản trở cho doanh nghiệp, thưa ông?
- Đúng vậy, một số nhân viên hải quan có hành vi tiêu cực do lợi dụng quy định phức tạp để gây khó khăn, phiền nhiễu cho các doanh nghiệp.
Vì thực tế những quy định trong lĩnh vực hải quan vừa nhiều, vừa thiếu. Nhiều do có quá nhiều quy định chồng chéo nhau, triệt tiêu nhau.
Nhưng lại thiếu nhiều quy định cần thiết, nhất là hàng hóa bán hàng ở trên mạng, thông quan, vận chuyển hàng hóa qua đường biển, hàng không, đường bộ có nhiều quy định không theo kịp tình hình thực tế.
Cho nên vừa thừa khi quá nhiều quy định chồng chéo nhau, nhưng lại thiếu quy định liên quan đến vấn đề buôn bán trên mạng, vận chuyển xuyên biên giới.
Từ đó đưa đến hậu quả nhiều cán bộ hải quan sử dụng quy định phức tạp để gây nhiễu cho doanh nghiệp, và lợi dụng quy định chồng chéo đó để tham nhũng.
Với ý kiến cho rằng cần phải có một kênh thông tin riêng để doanh nghiệp phản ánh những tiêu cực trong lĩnh vực hải quan, qua đó mới cải thiện được tình hình. Ý kiến của ông?
- Đáng lẽ chúng ta phải có Hiệp hội các nhà xuất nhập khẩu. Đó là kênh để cho các thành viên, doanh nghiệp nói lên tiếng nói, những phản biện.
Nếu sợ rằng đưa ra các vấn đề đó sẽ làm bất lợi thì không bao giờ có thể làm sáng tỏ ra các vấn đề. Do đó, cần có một Hiệp hội xuất nhập khẩu để nói lên tiếng nói của họ về tiêu cực, giúp cho Chính phủ nhận thấy các vấn đề để điều chỉnh sửa đổi.
Trân trọng cảm ơn ông!