Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: “Nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ bị cách chức”. Thủ tướng tỏ ra khá bức xúc khi mà trong mấy ngày qua, EVN liên tục đưa ra cảnh báo sẽ cắt điện do giảm sản lượng điện vì TKV không đảm bảo cung cấp đủ lượng than dẫn tới phải dừng các nhà máy nhiệt điện. Thái độ cương quyết của người đứng đầu Chính phủ là rất cần thiết.
Theo thông báo của EVN thì không chỉ nhiều nhà máy nhiệt điện phải “đóng cửa” do thiếu nguyên liệu than, mà các nhà máy thủy điện cũng không tích đủ nước, cùng với đó là sản lượng điện khí giảm, dẫn tới khả năng thiếu điện tới hết cả năm 2019. Với cách lý giải trên, EVN đưa ra cảnh báo rằng, có thể Tập đoàn này sẽ phải cắt điện ngay từ các tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, TKV cũng cho biết: Chỉ trong vòng 11 tháng năm 2018 đã bán cho ngành điện lượng than vượt kế hoạch cả năm (103%).
TKV khẳng định không thể cung ứng đủ than cho thị trường bởi nhu cầu tăng đột biến. Theo lý giải của TKV, trên cơ sở dự báo thị trường, năng lực sản xuất và tồn kho, TKV xây dựng kế hoạch năm 2018 với sản lượng tiêu thụ than là 36 triệu tấn, trong đó than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 tăng cao, mà nguyên nhân chính là do tăng trưởng điện năm 2018 ở mức cao. TKV cũng than phiền nguyên nhân do giá than thấp hơn thế giới nên nhiều ngành khác cũng chuyển qua mua của đơn vị này dẫn đến cung vượt quá cầu.
Tựu trung lại, ngành nào cũng đưa ra lý do “bất khả kháng” để hoặc là đòi tăng giá, hoặc là lý giải cho việc không hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao. Nếu xem xét kỹ việc thiếu than của TKV và thiếu điện của EVN thì sẽ thấy ngay rằng nguyên nhân chủ yếu là do lỗi chủ quan của con người, mà cụ thể ở đây là lãnh đạo của 2 ngành này. Đơn cử, do TKV dự báo nhu cầu thị trường không chính xác, không lường được các tình huống phát sinh dẫn đến việc không sản xuất đủ lượng than cung ứng cho nhu cầu trong nước.
Ngay cả khi do khả năng dự báo thị trường kém dẫn đến sản xuất thiếu hụt thì Chính phủ vẫn cho phép TKV nhập khẩu than để cân đối nguồn cung. Song, vấn đề ở chỗ giá than nhập khẩu đang cao hơn giá bán trong nước, dẫn đến tình trạng vào thời điểm này TKV đang cung cấp lượng than cầm chừng cho ngành điện, khiến nhiều nhà máy nhiệt điện bị thiếu hụt nguyên liệu.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc họp với Bộ Công thương và EVN, yêu cầu các đơn vị liên quan đưa ra các giải pháp để bảo đảm có đủ điện cho cả nước đến sau năm 2020, bởi nếu để nền kinh tế bị thiếu điện sẽ gây ra tác động khôn lường. Thủ tướng đặt câu hỏi: Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị có liên quan phải chuẩn bị đủ điện ngay từ đầu năm, tại sao đến giờ còn trả lời trên báo là thiếu điện?
Lâu nay, một số ngành đặc thù, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nên vẫn giữ thói quen từ thời bao cấp, không tích cực đổi mới tư duy theo nền kinh tế thị trường. Theo lẽ thường, ngành nào càng được Chính phủ ưu tiên thì càng có sức ỳ lớn. Minh chứng sống động nhất chính là việc EVN và TKV không năng động để có thể tham mưu cho Chính phủ đưa ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn đó.
Thay vì bàn bạc để đưa ra các sáng kiến, giải pháp nhằm vượt qua khó khăn, hay chí ít cũng là báo cáo đề xuất với Chính phủ các biện pháp tạm thời để đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế vĩ mô, thì EVN và TKV lại “làm mình làm mẩy” để Chính phủ phải ưu ái hơn nữa. Đó chính là lý do khiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải tuyên bố: Nếu cắt điện thì một số người sẽ mất chức. Đương nhiên không chỉ lãnh đạo ngành điện mà lãnh đạo những ngành khác đều hiểu điều đó có nghĩa sẽ khó giữ được “ghế nóng” nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Có lẽ đã đến lúc tất cả các ngành, các cấp chứ không chỉ riêng ngành điện và ngành than cần phải năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy để có thể bắt kịp với nền kinh tế thị trường trong thời đại công nghiệp 4.0, không thể mãi trông chờ vào sự bảo hộ của Chính phủ. Có như vậy khi hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới mới có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ, không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.