Thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, kể từ đầu năm 2023 tới nay số trẻ em di cư qua khu rừng Darien Gap tăng gấp 8 lần. Darien Gap là một khu vực rừng rậm đầy nguy hiểm giữa Colombia và Panama, nơi trú ngụ của nhiều băng nhóm tội phạm.
Trong vòng 5 tháng, 24.431 trẻ em có người lớn đi cùng hoặc không có người đi cùng, đã vào Panama qua Darien Gap. Con số này đã vượt xa cả năm 2022 khi chỉ ghi nhận hơn 3.000 trẻ em và thanh thiếu niên di cư thực hiện chuyến đi nguy hiểm này. UNICEF cho biết, nguy hiểm rình rập không làm cho nhiều đứa trẻ nghèo nản lòng. Hiện trung bình mỗi ngày có 10 trẻ em không có người đi kèm đến các trạm tiếp nhận người di cư ở Panama. Vào năm 2022, con số này là 3 trẻ 1 ngày. Nếu không dừng lại, con số này có thể lên tới 100.000 khi năm 2023 kết thúc.
Trong khi đó, theo Bộ Ngoại giao Panama, lượng người băng qua khu rừng rậm Darien Gap để đến một quốc gia khác có thể sẽ lên đến 400.000 trong năm nay.
Trước tình trạng người di cư liều mạng tìm cách vượt rừng Darien Gap, chính quyền Colombia và Panama đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra vũ trang. “Người di cư vượt qua khu vực đầy đầm lầy nơi không có đường đi lại thường xuyên bị các băng cướp tấn công và rắn độc chực chờ. Họ tìm cách thoát khỏi sự nghèo đói ở khu vực Mỹ Latin và cả những nơi xa xôi như Afghanistan. Họ còn được khuyến khích thêm từ việc quảng bá nguy hiểm trên mạng xã hội coi đây là tuyến đường di cư hợp lý. Điều đó đã tạo ra cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất mà châu Mỹ phải đối mặt trong thời hiện đại” - Eliezer Castillo, một sĩ quan thuộc lực lượng tuần tra Panama cho biết.
Khu rừng Darien Gap nằm ở phía cuối khu vực Trung Mỹ, giữa Colombia và Panama, có chiều dài 106km, không có đường hay lối mòn, địa hình nhiều núi, đầm lầy và rắn độc. Nhiếp ảnh gia Roman Dibulet, người từng ở lại trong các trại di cư bên cạnh Darien Gap 1 tháng cho biết, có khoảng 800 người di cư đến đây mỗi ngày. Họ là những người lam lũ vì đã phải vượt qua những chặng đường dài mệt mỏi, đói khát. “Có lẽ tôi sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa vì rất có thể rừng Darien Gap sẽ nuốt chửng họ” - Dibulet nói.
Những bức ảnh của Dibulet khắc họa người di cư đầy khắc khoải với ánh nhìn vô vọng. “Trong đoàn người lôi thôi lếch thếch ấy có những đứa trẻ. Chúng và cả cha mẹ chúng đều không biết có thể phải bỏ mạng trong những đầm lầy hoặc chết vì những viên đạn của lũ trộm cướp. Tôi đã hỏi nhóm lính tuần tra biên giới là họ đã phát hiện có bao nhiêu người chết trong tháng 5 vừa qua trong rừng Darien Gap. Nhưng không nhận được câu trả lời” - Dibulet nói.
Nhà báo tự do Emily Green - người đã nhiều lần theo chân đoàn người di cư với ý định băng qua rừng Darien Gap cho biết, điều kiện trong rừng rất khắc nghiệt. Nếu chỉ mắc một căn bệnh hoặc chẳng may bị thương, thì nạn nhân hoàn toàn có thể tử vong.
Trong một phóng sự, Green đã kể lại câu chuyện một cậu bé tên là Harun Said, người Somali. Cậu bé theo chân đoàn người mà cũng không biết rồi sẽ đi tới đâu. Không người thân, Said sống dựa vào bất cứ thứ gì kiếm được trên đường. Em đã chờ đợi ngoài bìa rừng hơn 1 tháng nhưng không nhóm người nào cho đi cùng vì em không có tiền.
“Những người môi giới dẫn người vượt biên gạt em ra sau khi bắt em lộn ngược túi áo túi quần, nhưng không thấy tiền. Em không thể nhờ được ai vì chính họ cũng phải lo cho bản thân họ. Không có tiền để đi tiếp và em cũng không có tiền để trở về nhà” - Said nói.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế của Liên hợp quốc (IOM), tình trạng người di cư tìm cách vượt qua Darien Gap đã biến khu rừng rậm này trở thành nơi nguy hiểm nhất thế giới. Tuy nhiên, đó vẫn là sự lựa chọn của nhiều người nghèo, nhất là ở Mỹ Latin, vì nếu băng qua được thì đây sẽ là con đường ngắn hơn so với đường biển, và chi phí cũng ít hơn. Vì thế, nhiều người đã liều lĩnh “bán mạng” khi mà trước mắt không có điều gì rõ ràng chờ đợi.
571 thuyền chở hơn 8.000 người di cư đã bị chặn lại
Nước Pháp đang phải đối mặt với làn sóng người di cư từ quốc gia châu Phi Cosmoros đổ tới đảo Mayotte, bất chấp hành trình vượt biển nguy hiểm. Chính phủ Pháp đã phải huy động quân đội và cảnh sát tiến hành tìm kiếm và trục xuất những người di cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, công việc diễn ra rất khó khăn bởi các cuộc vượt biển thường diễn ra vào đêm tối. Benjamin Burbure - Cảnh sát biên phòng cho biết, sẽ hết sức nguy hiểm khi gặp phải bọn buôn người có vũ trang. Chúng thu của mỗi người di cư 400 euro. Mayotte là vùng nghèo nhất của Pháp, thu nhập trung bình năm của người dân chỉ khoảng 3.200 euro nhưng vẫn cao hơn gấp đôi so với ở Comoros. Điều này đã tạo nên lực hút, kéo những người nghèo ở Comoros đến hòn đảo này. Năm ngoái, trung bình mỗi ngày cảnh sát biên phòng Pháp phát hiện 2 thuyền chở người di cư bất hợp pháp đi vào vùng biển Mayotte. Tổng cộng 571 thuyền chở hơn 8.000 người di cư đã bị chặn lại.