Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma: Ngôi nhà chung của những người anh hùng giữ đảo

Văn Nhất 15/03/2017 07:45

Sáng 14/3, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Hội đồng nghiệm thu Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã tiến hành nghiệm thu lần cuối cụm tượng đài là điểm nhấn của công trình. Rất đông người dân đã về dâng hương lên anh linh các anh hùng liệt sĩ; những dòng nước mắt nóng bỏng dành cho 64 chiến sĩ Hải quân đã hy sinh thân mình giữ đảo 29 năm trước...

Cán bộ Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân) dâng hương tưởng nhớ đồng đội.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên diện tích 2,5 ha tại Bãi Dài, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 150 tỉ đồng từ tiền đóng góp của nhân dân cả nước do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động. Đến nay, các hạng mục chính, trong đó có cụm tượng đài cao 12m, ngang 12m đã hoàn thành.

Đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành các hạng mục phụ trợ như quảng trường, công viên, cây xanh, bảo tàng ngầm, khu mộ gió với 64 tấm bia khắc tên các liệt sĩ hy sinh ngày 14/3/1988.

Theo thiết kế đã được duyệt, không gian kiến trúc Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được bố cục gồm 2 phần chính. Đến nay, tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” được xem là “trái tim” của công trình đã hoàn thành.

Cụm tượng giữa “Vòng tròn bất tử” có chiều cao tổng thể 15,15m, trong đó phần bệ đài cao 1,4m, thân tượng cao 13,75m, gồm 9 hình tượng, thể hiện tinh thần hiên ngang bất khuất của những người lính sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc giữa Biển Đông.

Bảo tàng ngầm đã và đang được gấp rút thi công phần chi tiết, đồng thời tiếp nhận, bảo quản các hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma. Quảng trường Hòa Bình hướng về phía biển cũng đã hình thành cùng với khu “mộ gió” của 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ… Hệ thống cây xanh, thảm cỏ và ánh sáng được chăm chút kỹ lưỡng.

Ông Phan Văn Sơn- Ban Quản lý dự án Tổng LĐLĐVN, thành viên Hội đồng nghiệm thu công trình Khu tưởng niệm Gạc Ma cho biết, tượng đài đều nhìn đẹp từ 4 hướng. Buổi sáng hay buổi chiều quan sát tượng đài đều thấy sự hài hòa trên từng cơ thể, từng bắp tay, bắp chân người lính.

Trong sáng 14/3, nhiều người dân đã về dâng hương tại tượng đài để tưởng nhớ công ơn của các chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Phùng Thế Hoàng- nguyên giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Cam Ranh, Khánh Hòa chia sẻ: “Khi Tổng LĐLĐVN kêu gọi, tôi đã đóng góp một ngày lương để xây dựng tượng đài nên tôi muốn đến đây vào đúng ngày xảy ra sự kiện Gạc Ma năm xưa để xem công trình. Tôi thấy công trình rất đẹp, không gian thiết kế rất phù hợp với sự hi sinh của các anh”.

Theo ông Hoàng, khi còn dạy học, ông ước một lần được đưa các em học sinh đến công trình để các em biết nhiều hơn về sự kiện lịch sử Gạc Ma, nhưng rất tiếc là mong ước ấy không thể thực hiện vì công trình lúc đó chưa hình thành.

Cũng trong ngày 14/3, Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân) do Đại tá Phạm Văn Hoạt- Lữ đoàn trưởng làm trưởng đoàn đã đến thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Trước hương hồn các anh hùng liệt sĩ, Lữ đoàn trưởng 162 đọc bài viếng đầy xúc động: Cách đây 29 năm, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.

Dẫu biết vinh quang nào mà chẳng có mất mát hy sinh; hạnh phúc nào mà không đổi bằng mô hồi, nước mắt. Dẫu biết sự dâng hiến của các anh đã góp phần làm nên giá trị thiêng liêng của non sông đất nước, tinh hoa của dân tộc. Song trong không gian tĩnh lặng, thành kính này, mỗi chúng ta không thể cầm lòng…

Ngày 14/3/1988 Trung Quốc đã bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo của ta trong quần đảo Trường Sa.

Trong cuộc chiến không cân sức giữa cán bộ, chiến sĩ xây đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh đã phải đối mặt với những chiếc tàu chiến của Trung Quốc có trang bị vũ khí hiện đại. Đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ , thủy thủ các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605, thuộc Lữ đoàn 125; của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân…

Dẫu biết có thể sẽ hy sinh, trước sự tấn công của tàu chiến Trung Quốc , với ý chí kiên cường bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia; biểu hiện ý chí, lòng tự tôn dân tộc cao cả, các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ đảo đến hơi thở cuối cùng.

“Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang. Song phía sau để lại là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hằng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa đợi trông, mong các anh về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm không thể xóa nhòa”- Đại tá Phạm Văn Hoạt xúc động.

Trước khi dâng hương lên anh linh các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma, Lữ đoàn 162 đã tặng Khu tưởng niệm cây bàng vuông mang từ Trường Sa về với mong muốn tạo không gian sống cho công trình.

Hôm nay, ai đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại bán đảo Cam Ranh đều có cảm xúc rất lạ. Trước mặt là biển, sau lưng là núi non mây trời, giữa là ngôi nhà chung đón các anh “nằm lại phía chân trời” về an nghỉ.

Sáng 14/3, các cựu binh Trường Sa thuộc Trung đoàn E83 tham gia chiến dịch Chủ quyền 1988 (CQ88) tại Đà Nẵng, đã tổ chức Lễ tưởng niệm 64 cán bộ chiến sĩ hi sinh ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa).

Thượng tá Hoàng Hoan- nguyên Phó Trung đoàn trưởng chỉ huy chính trị Trung đoàn 83 giai đoạn 1988-1997 đã ôn lại lịch sử hào hùng của trận chiến bảo vệ Gạc Ma.

Trước anh linh đồng đội, ông Hoan xúc động phát biểu: “Các anh đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng. 29 năm đã trôi qua, chúng ta vẫn còn nghe thấy tiếng của các anh trên những con tàu lướt sóng giữa trùng khơi mênh mông... Các anh vẫn sống mãi như cây Phong ba trước nắng gió Trường Sa. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn của các anh”.

Sau Lễ tưởng niệm, các cựu binh E83 tại Đà Nẵng đã tiến hành thả đèn, hoa tại cửa sông Hàn để ngưỡng vọng linh hồn 64 cán bộ chiến sĩ, đồng đội đồng chí đã hy sinh thân mình để bảo vệ Gạc Ma.

Bình Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma: Ngôi nhà chung của những người anh hùng giữ đảo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO