không chỉ đối mặt với diện tích chôn lấp rác bị thu hẹp do ảnh hưởng mưa bão, việc tiếp nhận rác thải tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn cũng đang gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ về sự cố rác thải.
Liên quan tới sự cố không nhận rác xảy ra vào hồi đầu tháng 10, tại Khu xử lý rác thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) thuộc Chi nhánh Xuân Sơn (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội), mới đây đơn vị này đã ra báo cáo khẩn.
Theo đó, tại Chi nhánh Xuân Sơn, cả 3 hồ chứa nước rỉ rác tại bãi rác này đều đang vượt quá công suất chứa tối đa.
Cụ thể: hồ giai đoạn 1 (GĐ1) dung tích 31.695 m3 đang chứa vượt gần 2.000 m3. Hồ GĐ2 dung tích 10.000 m3, đang vượt 294 m3. Hồ chứa Ba Vì dung tích tối đa 9.180 m3 đang vượt 240 m3.
Lượng nước rỉ rác đang lưu chứa tại các hồ khoảng 54.000 m3. Còn lượng nước rỉ rác tại các vị trí đất lưu không khoảng 3.000 m3.
Ngoài việc không còn khả năng lưu chứa nước rỉ rác, có hiện tượng nước rỉ rác thấm tràn lên mặt đường quanh hồ, khu đất lưu không. Việc để nước rỉ rác tại hồ quá cao sẽ khiến các hồ thường trực nguy cơ vỡ bờ bao.
Trước thực trạng trên, đơn vị này đề xuất phải bơm khẩn cấp nước rác sang lưu chứa tạm thời tại ô chôn lấp bùn thoát nước của UBND thị xã Sơn Tây. Có thể xem xét thi công ô chứa dự phòng nước rác tại ao chứa nước mưa có sẵn ở khu 5,6 hecta Ba Vì.
Và để tránh những sự cố có thể xảy đến, khi thời điểm đang là mùa mưa bão, đến chiều ngày 20/10, các trạm xử lý đã vận hành trở lại, hút một phần nước rỉ rác tồn đọng. Bãi rác Xuân Sơn bắt đầu tiếp nhận rác từ một số huyện, mỗi ngày bãi rác sẽ xử lý khoảng 500 tấn rác/ngày, vận hành thử nghiệm trong 10 ngày.
Và không chỉ đối mặt với diện tích chôn lấp rác bị thu hẹp do ảnh hưởng mưa bão, việc tiếp nhận rác thải tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn cũng đang gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ về sự cố rác thải.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Chi nhánh Xuân Sơn cho hay: trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của mưa bão, đặc biệt là việc trạm xử lý nước rác của Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Sơn Tây dừng hoạt động nên các hồ chứa không còn khả năng lưu chứa, khiến mực nước tại các hồ chứa nước thải đều đã vượt ngưỡng an toàn cho phép.
Vẫn theo ông Hà, hiện tại, Hà Nội đang trong thời gian cuối mùa mưa bão, diễn biến thời tiết bất thường, khối lượng rác tiếp nhận trung bình mỗi ngày của bãi là 1.400 tấn, lượng nước rác phát sinh khoảng 800 - 900 m3. Tuy nhiên, trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác xử lý lưu chứa nước rác không đảm bảo, nguy cơ xảy ra các sự cố chất thải như vỡ bờ bao các hồ lưu chứa nước rác, rò rỉ, tràn nước rác ra môi trường đang hiện hữu.
Còn theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, bãi rác Nam Sơn hiện đang tiếp nhận, xử lý rác thải cho 12 huyện và thị xã Sơn Tây với khối lượng tiếp nhận dự tính trung bình khoảng 1.500 tấn/ngày, trong đó, 100 tấn/ngày xử lý bằng phương pháp đốt.
Công tác xử lý nước rác tại bãi rác Xuân Sơn do 2 trạm của Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Sơn Tây (công suất 700m3/ngày) và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội là 300m3/ngày đảm nhiệm. Với khối lượng xử lý như trên, các đơn vị có thể xử lý hết khối lượng nước thải phát sinh hàng ngày và một phần nước rác còn tồn đọng tại bãi khi không có mưa.
Trong khi đó, thông tin tới báo chí, ông Phạm Cao Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: hiện Khu xử lý rác thải rắn Xuân Sơn đang tiến hành tiếp nhận rác tại vị trí hợp nhất các ô chôn lấp giai đoạn 1 và giai đoạn 2, theo kế hoạch, rác sẽ được tiếp nhận lên cao độ +24 m so với mặt đường.
Với công suất tiếp nhận 1.500 tấn/ngày như hiện nay, khu vực này chỉ đủ khả năng tiếp nhận rác đến ngày 31/10/2021. Nếu không có những giải pháp kịp thời, thì bắt đầu từ tháng 11, bãi rác Xuân Sơn sẽ không còn khả năng tiếp nhận rác.
Cũng theo ông Phạm Cao Thắng, để ứng phó với tình trạng trên, đơn vị đã xây dựng các kịch bản, phương án tiếp nhận, xử lý rác tại Khu xử lý rác thải rắn Xuân Sơn đến hết năm 2023.
Trong đó, nếu được phê duyệt, bắt đầu từ ngày 1/11, đơn vị sẽ tiếp nhận rác tại khe hợp nhất giai đoạn 2 với ô Fukuoka lên cao độ +24 m, dự kiến khối lượng tiếp nhận khoảng 33.750 tấn. Song, với công suất tiếp nhận khoảng 1.260 tấn/ngày thì thời gian tiếp nhận cũng chỉ kéo dài đến 28/11/2021.
Tiếp đó, đơn vị sẽ tiến hành tiếp nhận rác tại ô Fukuoka lên cao độ +24m với khối lượng khoảng 50.000 tấn, tương đương 39 ngày (đến 7/1/2022). Và, để thực hiện được phương án trên, đơn vị cần phải lập và được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Sau đó, đơn vị sẽ tiếp nhận rác tại ô hợp nhất giai đoạn 1 lên cao độ +24 m, với khối lượng khoảng 24.000 tấn, tương đương khoảng 19 ngày (từ 8/1/2022 đến 27/1/2022).
Vậy nhưng, để đảm bảo Khu xử lý rác thải rắn Xuân Sơn hoạt động thông suốt cho đến khi các nhà máy đốt rác phát điện đưa vào hoạt động, đơn vị này đề xuất tiếp nhận rác tại ô 2,2 hecta Ba Vì và hợp nhất với giai đoạn 2 lên cao độ +24 m.
Nếu được thông qua, khu vực này có khả năng tiếp nhận 226.000 tấn rác, thời gian khoảng 179 ngày (từ 28/1/2022 đến 27/7/2022).
Sau đó, đơn vị sẽ tiếp nhận bổ sung rác tại ô chôn lấp 3 hecta thuộc khu 5,6 hecta Ba Vì. Nếu được thông qua, khu vực này sẽ tiếp nhận được khoảng 642.400 tấn rác, tương đương 510 ngày (đến ngày 20/12/2023)… đúng thời điểm Nhà máy Điện rác Seraphin có công suất 1.500 tấn/ngày đi vào hoạt động.