Nhằm ứng dụng số hóa trong việc thu tiền điện, ngành điện lực Lâm Đồng đang triển khai nhanh chóng các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khách hàng, người dân nộp tiền điện không dùng tiền mặt, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Đinh Thị Liên Hoa (thôn Tân Phú 2, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) chia sẻ: Hàng tháng bà đi đóng tiền điện tại điểm thu tập trung ở hội trường thôn thay vì phải ở nhà chờ đợi có người đến thu tiền như trước đây. Dù khá chủ động và nhanh chóng nhưng bà Hoa cho biết vẫn cảm thấy bất tiện khi phải tự thân đi đóng tiền trong lúc công việc nhà vườn còn rất nhiều.
“Mấy lần đi đóng tiền tôi được giới thiệu và hướng dẫn sử dụng ứng dụng trên điện thoại để nộp tiền rất nhanh chóng, dễ dàng nhưng do lớn tuổi không dùng điện thoại thông minh nên vẫn chưa cài đặt. Tới đây tôi sẽ về nhà nhờ con cài ứng dụng để lần sau đóng tiền khỏi phải chạy đi nữa” – bà Hoa bày tỏ.
Toàn huyện Di Linh hiện có 80 điểm thu cố định của ngành điện, trung bình 1 thôn/1 điểm thu cho phù hợp với địa bàn, số lượng dân cư từng xã. Đây được xem là bước chuyển đổi, phối hợp tuyên truyền để người dân có thời gian làm quen với việc “số hóa” trong thu tiền điện sinh hoạt.
Bà Nguyễn Thị Dung, nhân viên thu tiền điện tại xã Đinh Lạc, huyện Di Linh cho biết, khi người dân đến đóng tiền điện các nhân viên sẽ tuyên truyền, nhắc nhở họ dùng các ứng dụng để đóng tiền trên internet. Sau một thời gian triển khai các điểm thu tiền này, số lượng khách hàng đi đóng trực tiếp bắt đầu giảm dần. “Đối với người lớn tuổi, người đồng bào dân tộc ở vùng sâu không có điện thoại thông minh, chúng tôi cũng hướng dẫn họ nhờ con, cháu trong nhà trong việc cài đặt ứng dụng để đóng tiền điện trực tuyến cho thuận tiện” – bà Dung nói.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Sâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Linh cho biết, thực hiện theo lộ trình thu tiền điện không dùng tiền mặt, địa phương đã phối hợp với chi nhánh điện lực tổ chức tuyên truyền cho người dân trong việc thu tiền điện qua ứng dụng và xem như là một giải pháp trong cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn. Hiện nay toàn thị trấn có 27.000 nhân khẩu thì hầu hết người dân là thuần nông, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 4,6% chưa có tài khoản ngân hàng, chưa có điện thoại thông minh nên việc thu tiền không dùng tiền mặt với họ vẫn còn nhiều bỡ ngỡ.
Theo ông Bùi Ngọc Dũng, Giám đốc Điện lực Di Linh, thu tiền điện không dùng tiền mặt là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Mặc dù lượng khách hàng của Di Linh có đến 70% ở khu vực nông thôn, chưa quen với các giao dịch điện tử cũng là một khó khăn và đơn vị đang tiếp tục vận động, phối hợp với các ngân hàng tạo tài khoản cho người dân để thuận tiện trong giao dịch.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã dừng thu tiền điện tại nhà trên địa bàn thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, các thị trấn trên địa bàn 10 huyện còn lại. Đối với địa bàn các xã còn lại, ngành điện Lâm Đồng đã mở trên 1.000 điểm thu cố định nhằm hỗ trợ cho người dân trong việc đóng tiền điện ở địa phương và dự kiến duy trì đến hết năm 2021 này.
Tính đến cuối năm 2020 đã có trên 50% khách hàng dùng điện ở Lâm Đồng thanh toán qua các điểm thu và tài khoản cá nhân. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng viễn thông, ngân hàng tại các xã vùng sâu còn nhiều hạn chế nên việc đóng tiền qua tài khoản còn gặp khó khăn.