Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam đang đối mặt với áp lực rất lớn khi lượng rác thải ngày càng tăng, gây ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay mỗi ngày các đô thị thải ra khoảng 38.000 tấn rác sinh hoạt, khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn. Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị tăng trung bình 10 đến 16% mỗi năm. Ngành công nghiệp mỗi năm thải ra khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn, trong đó khoảng 8,1 triệu tấn từ các khu công nghiệp.
Tương tự, theo Bộ Công thương, dự kiến đến năm 2025 sẽ có 248 triệu tấn tro, xỉ tích lũy của 29 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn, đòi hỏi một quỹ đất rất lớn làm bãi chứa, cùng với lượng rất lớn chất thải từ chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm; sau thu hoạch từ sản xuất nông nghiệp; chất thải bệnh viện… Bên cạnh đó, mỗi năm cả nước thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường.
Số lượng rác thải đổ ra môi trường ngày càng gia tăng song phương pháp xử lý rác thải chính hiện nay của nước ta là chôn lấp, với kỹ thuật đơn giản. Chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải ở Việt Nam”, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam cho biết, công nghệ xử lý rác chủ yếu vẫn là chôn lấp, tiếp đến là chế biến phân vi sinh và thiêu đốt... nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn; các quy định về trạm trung chuyển, phân loại rác tại nguồn chưa khả thi. Đồng quan điểm, TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, việc xử lý rác thải quá phức tạp nên nhiều địa phương muốn đốt, thay vì tìm cách xử lý để biến rác thành tài nguyên.
“Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định từ ngày 1/1/2025 phải thực hiện phân loại rác tại nguồn nhưng nhiều ý kiến cho rằng để đạt được mục tiêu vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều địa phương lúng túng trong việc xử lý rác sinh hoạt, người dân có thể phân loại rác tại nguồn, nhưng sau đó việc thu gom, xử lý thực hiện như thế nào cũng chưa rõ” - ông Tùng cho biết.
Khẳng định xu thế xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu song theo PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, để doanh nghiệp và người dân tham gia thì cần có cơ chế hấp dẫn để họ thấy có thể tồn tại và phát triển được doanh nghiệp của mình trên cơ sở xử lý rác thải và thực hiện kinh tế tuần hoàn. Với người dân, để thay đổi được thói quen cũng phải dễ dàng. Kinh nghiệm nhìn từ câu chuyện mũ bảo hiểm, lúc đầu khó, nhưng hiện nay ai cũng tự giác thực hiện mỗi khi tham gia giao thông.
Trong khi đó, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng đã đến lúc cần phải nhìn nhận rác thải là tài nguyên cần được sử dụng, xử lý hiệu quả. Rác chỉ thực sự có giá trị là tài nguyên khi được sử dụng hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Ngược lại nếu không biết cách sử dụng thì rác thải sẽ trở thành gánh nặng cho môi trường và xã hội. Do đó, theo ông Cơ, Việt Nam cần có những giải pháp hữu hiệu, có chính sách để thúc đẩy xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn, có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình tái chế và xử lý rác thải.
“Kinh tế tuần hoàn là xu hướng của thế giới và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Nhưng làm thế nào để áp dụng kinh tế tuần hoàn đạt hiệu quả cao nhất là vấn đề bản thân mỗi người phải cùng tham gia, ngay từ khâu phân loại rác” - GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, hiện nay, xu hướng thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trên thế giới đang diễn ra mãnh liệt. Kinh tế tuần hoàn được coi là giải pháp hiệu quả giải quyết các thách thức của toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm rác thải, thúc đẩy các biện pháp phát triển bền vững.